Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

BÀN VỀ TỌA SƠN LẬP HƯỚNG CHO ÂM DƯƠNG TRẠCH

“Loan Đầu Vô Lý Khí Bất Linh, Lý Khí Vô Loan Đầu Bất Nghiệm” đó là mối quan hệ biện chứng giữa Loan Đầu và Lý Khí trong Phong Thủy Học. Đó cũng là một Chân Lý Vĩnh Hằng có từ hàng nghìn năm trước. Lập Sơn Tọa Hướng cho hai trạch Âm Dương cần trước hết coi trọng Loan Đầu làm nền tảng, làm sao cho Loan Đầu và Lý Khí kết hợp ăn khớp. “Loan Đầu là Thể, Lý Khí là Dụng” đất mà có Loan Đầu thô ác, Lý Khí dẫu cực đẹp cũng quyết không thể Lập Hướng.



“Ba năm tìm Long, mười năm Điểm Huyệt” cần nắm vững các Pháp về Loan Đầu, không cần biết tám năm hay mười năm. Song nhận ra rằng Loan Đầu Pháp nói một cách đơn giản, đều là cần “Đẹp”. Long cần khởi phục, quá hạp, khai trướng mà hoạt bát có sức sống, hùng vĩ tráng liệt. “Vô cá tự bất thành Long, vô phân kim bất xuất mạch” Huyệt cần tự nhiên sinh thành, nên có Sơn hoàn Thủy Bão, Sa Thủy cần tú lệ có tình, Đường Cục rộng rãi mà ngay ngắn, đó là những điều căn bản phù hợp với tiêu chuẩn “Đẹp” của Loan Đầu.

Phương Pháp về Lý Khí, các Phái rất nhiều, người người nhiều như cây tạm thời không bình luận. Song chỉ nhắc các bạn sơ học: Hơn 2000 năm nay Tam Hợp Phong Thủy có thể lưu hành đến nay, Huyền Không Phong Thủy có Dịch Lý Tinh Thâm lan truyền khắp thế giới, đó là vì sao ? Đáp rằng: - Đó là kết tinh của trí tuệ thông minh của nhân loại, tất cả đã trải qua mưa mưa gió gió, sóng cả, cát bụi cũng vô số các Phong Thủy Đại Sư trong lịch sử đã không ngừng nỗ lực tìm tòi tổng kết thực tiễn để tạo thành kinh nghiệm, tất cả đều có cái độc đắc mà dự đoán siêu thần kỳ, có công năng phản ánh trước, mà do đó có ác tác phẩm cực kỳ thâm ảo về cả lý luận luận khoa học cũng như giá trị sử dụng, lấy đó nhấn mạnh sự kết hợp Sinh Mệnh và Khoa Học lưu truyền đến nay, đều được người khắp nơi trên thế giới coi trọng nhìn nhận. Phong Thủy học có thể an bang định quốc, khiến dân giàu nước mạnh. Cho nên trong học thuật Phong Thủy, chúng ta nên theo Huyền Không Phong Thủy làm cơ sở, kết hợp Tam Hợp Phong Thủy, Cửu Tinh Phiên Quái Phong Thủy, Long Môn Bát Đại Cục Phong Thủy, Kỳ Môn Phong Thủy, Tứ Trụ Mệnh Lý, Chu Dịch Bát Quái…..

Nói “Lập Hướng” tức là căn cứ tình huống thực tế Long Huyệt Sa Thủy Đường Cục hợp lý xác định Tọa và Hướng của hai trạch Âm Dương. Làm sao cho Loan Đầu của Long Huyệt Sa Thủy Đường Cục phù hợp với Pháp của Loan Đầu làm cơ sở, lại phù hợp với các Pháp về Lý Khí nhấn mạnh tính tổng hợp, làm việc có tính Kỹ Thuật Cao. Quách Phác trong “Táng Thư” có nói : - Khí đi trong đất. Do đó mà Đất có Thế Đất. Khi nó Tụ tức do Thế dừng lại. Người xưa làm cho tụ mà không tán, đi mà có dừng, đó gọi là Phong Thủy. Mục đích của lập Hướng chính là làm cho Sinh Khí “ Tụ mà không Tán”.

Âm Dương Trạch tọa Sơn lập Hướng tất cả đều theo một trình tự, Tầm Long, Điểm Huyệt, Tiêu Sa, Nạp Thủy là những điều không thể không biết. Như thế có thể lý giải điều này thành một phương trình như thế nào ? Phương Trình cho tọa sơn lập hướng tức là lấy phù hợp Loan Đầu làm cơ sở, đem Loan Đầu dùng làm các thao tác kỹ thuật, phương pháp và trình thức bao gồm làm thế nào có thể Tầm Long, Điểm Huyệt, Tiêu Sa, Nạp Thủy.

“Tọa Sơn Lập Hướng Phương Trình Thức” là : Z= A+B+C


Trong đó:

- Z là đại biểu Tọa Sơn Lập Hướng,
- A đại biểu Pháp về Loan Đầu,
- B đại biểu Huyền Không Phong Thủy Lý Khí Pháp,
- C đại biểu Tam Hợp Phong Thủy Lý Khí Pháp, Cửu Tinh Phiên Quái Phong Thủy, Long Môn Bát Đại Cục Phong Thủy ….


LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

TIỂU SỬ BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC ( 1897 - 1963 )

Trước khi tự thiêu, Ngài có để lại một bức thư gọi là "Lời nguyện tâm quyết", nói rõ chủ định và nguyện vọng của Ngài.


Bồ-tát Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ngài sinh trong một gia đình có 7 anh chị em, thân sinh là cụ ông Lâm Hữu Ứng và cụ bà Nguyễn Thị Nương.
Lên 7 tuổi, Ngài được song thân cho xuất gia thụ giáo với Hòa thượng Như Đạt - Minh Lý, tự Hoằng Thâm, thuộc dòng thiền Chúc Thánh, là cậu ruột, được Hòa thượng nhận làm con và chính thức đổi tên họ là Nguyễn Văn Khiết. 


  Bồ Tát Thích Quảng Đức ( 1897 - 1963 )
Năm 15 tuổi, Ngài thọ giới Sa-di, năm 20 tuổi thọ giới Tỳ-kheo và Bồ-tát, được ban pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp, pháp hiệu Quảng Đức. Sau đó, Ngài phát nguyện nhập thất tu ba năm trên một ngọn núi ở Ninh Hòa. Về sau, Ngài có lập trên núi này một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc tự.

Rời núi, Ngài vân du hóa đạo một mình với chiếc bình bát theo hạnh đầu đà (khất thực). Hai năm mãn nguyện, Ngài lại quay về nhập thất tại chùa Sắc tứ Thiên Ân ở Ninh Hòa, gần thành phố Nha Trang.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, Đại lão Hòa thượng Hải Đức đến nơi Ngài đang nhập thất thăm hỏi, mời Ngài nhận chức Chứng minh Đạo sư cho Chi hội Phật học Ninh Hòa. Ba năm sau, Ngài được thỉnh cử giữ chức Kiểm Tăng cho Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa. Trong thời gian hành đạo tại miền Trung, Ngài đã kiến tạo và trùng tu tất cả 14 ngôi chùa.

Năm 1943, rời Khánh Hòa vào Nam, Ngài hành đạo khắp các tỉnh Sàigòn - Gia Định, Định Tường, Tây Ninh, Bà Rịa xuống đến Hà Tiên. Ngài cũng đã từng sang Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia) lưu trú ba năm, vừa giáo hóa các Phật tử kiều bào, vừa nghiên cứu kinh điển Pali và Phật giáo Nam tông.

Lúc mới vào Nam, Ngài đã lưu trú tại chùa Long Vĩnh (quận 3 - Sài Gòn) một thời gian dài, nên dân chúng quen gọi Ngài là Hòa thượng Long Vĩnh, Ngài còn có hiệu là Thích Giác Tánh. Suốt thời gian hóa độ chúng sinh, bất cứ nơi nào, Ngài cũng dốc lòng làm tròn nhiệm vụ của một sứ giả Như Lai, kế tục các thế hệ Tổ sư truyền giáo, chăm lo tô bồi công đức, hoằng dương Chánh pháp.

Năm 1953, Ngài được thỉnh cử vào chức vụ Phó Trị sự và Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng-già Nam Việt, đồng thời lãnh nhiệm vụ trú trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt.

Năm 1958, khi trụ sở của Hội dời về chùa Xá Lợi, Ngài nhận thấy tuổi cao, và với bản nguyện “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, nên đã xin thôi mọi chức vụ để có đủ thì giờ an tâm tu niệm. Tuy nhiên, vốn có tâm từ bi, Ngài vẫn để cho gót chân vân du hành đạo ghi dấu nhiều nơi, khi thì chùa Quán Thế Âm ở Gia Định, lúc lại tới chùa Long Phước, xã Ninh Quang, tỉnh Khánh Hòa, dùng mọi phương tiện thích ứng hướng dẫn hậu sinh mê mờ quay về chánh đạo.

Trong phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam vào năm 1963 đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, Ngài vẫn tích cực tham gia. Chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật tử của Ngô Đình Diệm ngày một nặng nề và khốc liệt. Máu Phật tử đã đổ ở Đài Phát thanh Huế. Chùa chiền bị phong tỏa, Phật tử bị bắt bớ khắp nơi. Để thức tỉnh Tổng thống Ngô Đình Diệm và tập đoàn của ông đang đắm chìm trong vô minh sớm đáp ứng năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo đồ, đồng thời để cho thế giới nhận thấy cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng của Phật tử Việt Nam là chính đáng, Ngài đã quyết định thực hiện tâm nguyện của mình là được thiêu đốt nhục thân để cúng dường chư Phật và bảo vệ Đạo pháp, bởi Ngài nhận ra rằng thân ngũ uẩn này chỉ là giả tạm, chỉ có làm sao cho Chánh pháp được trường tồn mới là hạnh nguyện cao cả để Ngài phục vụ chân lý bất diệt.

Ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão, tức ngày 11-6-1963, cuộc diễu hành rước di ảnh các Thánh tử đạo của trên 800 vị Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và Phật tử từ chùa Phật Bửu đến chùa Xá Lợi, khi đoàn diễu hành tiến đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP.Hồ Chí Minh), Ngài từ trên xe hơi bước xuống, tự tẩm xăng thấm ướt mấy lớp cà-sa, ngồi kiết già trên mặt đường, tự châm lửa giữa hàng mấy trăm Tăng Ni đang vây quanh chắp tay cầu nguyện. Ngọn lửa bốc cao, phủ kín thân mình, Ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa.

Gần 15 phút sau, lửa tàn và Ngài ngã xuống, tay vẫn còn quyết ấn tam muội.

Nhục thân của Ngài được rước về quàn tại chùa Xá Lợi hơn một tuần lễ. Đến ngày 20-6-1963, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo cùng tất cả chư Tăng Ni và Phật tử tổ chức lễ rước đưa về An dưỡng địa, cử hành trọng thể lễ trà tỳ.

Sau khi hỏa thiêu suốt ngày, trong lò thiêu đến 4.000 độ - xương thịt cháy tiêu hết, duy chỉ có trái tim của Ngài vẫn còn nguyên, được thiêu lần thứ hai vẫn không cháy.

Cái chết phi phàm của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã làm chấn động dư luận khắp hoàn cầu. Báo chí thế giới đăng tin lên trang đầu cùng hình ảnh tự thiêu của Ngài. Việc Ngài tự thiêu, được đồng bào cả nước biết ngay chiều hôm đó, và đã gây xúc động sâu xa trong mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo. Sự hy sinh vì đạo của Ngài đã làm cho Ngô Đình Diệm vô cùng hoảng hốt và lo sợ, tìm mọi cách đối phó với Phật giáo bằng những thủ đoạn thâm độc hơn, và chính điều đó cũng làm cho phong trào đấu tranh của Phật giáo trở nên cuồn cuộn như sóng thần để đi đến kết thúc là ngày 1-11-1963, chế độ độc tài, gia đình trị của họ Ngô sụp đổ, Phật giáo Việt Nam thoát qua một pháp nạn.

Trước khi tự thiêu, Ngài có để lại một bức thư gọi là “Lời nguyện tâm quyết”, nói rõ chủ định và nguyện vọng của Ngài. Điều đáng ghi nhớ là toàn văn bức thư này đã không chứa đựng một mảy may hận thù và tuyệt vọng nào, mà trái lại còn toát lên tình thương.

Ngoài ra, Ngài còn để lại năm bài kệ, dặn dò bổn đạo và đệ tử sống theo Bát Chánh đạo và Lục hòa, đoàn kết và giữ vững niềm tin trong đạo pháp.

Cũng như ở miền Trung, hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, Ngài đã khai sơn và đại trùng tu được 17 ngôi chùa. Cảnh chùa cuối cùng Ngài trú trì là chùa Quán Thế Âm, tại Gia Định, Sài Gòn. Như vậy, Ngài đã có công xây dựng và trùng tu cả thảy 31 ngôi chùa ở miền Trung và miền Nam nước ta.

Để ghi nhớ công hạnh của Ngài, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Hội đồng Lưỡng viện Tăng thống và Hóa đạo trong một phiên họp trước ngày Phật đản năm 1964, đã đồng thanh quyết nghị cung kính suy tôn Ngài pháp vị BỒ-TÁT. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước đã dùng pháp hiệu của Ngài đặt tên cho đường Nguyễn Huệ cũ trước chùa Quán Thế Âm là đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận.

Quả tim Bồ-tát Quảng Đức là một chứng minh cụ thể cho tấm lòng của muôn người con Phật luôn yêu chuộng hòa bình tự do và bình đẳng nhưng cũng bất khuất trước nạn cường quyền và áp bức. Trái tim ấy trở thành biểu tượng tinh thần của Phật giáo Việt Nam và là trái tim của nhân loại đã và đang đấu tranh mãi cho tự do hòa bình, hạnh phúc nhân sinh.



(Theo bản soạn thảo của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam)

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

TRƯNG BÀY TƯỢNG TAM ĐA THUẬN PHONG THỦY

Trường thọ, danh tiếng và tiền tài chính là ba yếu tố tốt đẹp nhất của vận may mà con người luôn tin tưởng sẽ có được nhờ Phúc, Lộc, Thọ - ba vị thần đại diện cho lĩnh vực tài lộc. Giống như hầu hết các giải pháp phong thủy, ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ mang đến những điều mà con người hy vọng trong nhiều thế kỷ qua, đó là sự giàu có, quyền lực và may mắn bên cạnh cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài.
Tượng ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ khi nhìn vào không giống với một giải pháp phong thủy mà là một cái gì đó sẽ mang lại may mắn, sự giàu có và hạnh phúc, đương nhiên còn có cả sức khỏe tốt và thành công. Vì vậy, về mặt này có thể nói rằng ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ đáp ứng cùng một mục đích giống như các giải pháp phong thủy tài lộc phổ biến khác.

Phúc, Lộc, Thọ - ba vị thần biểu tượng cho sự may mắn, giàu có và tuổi thọ.


Ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ có điểm gì khác nhau? Tại sao bạn nên chọn ba vị thần đại diện cho vận may (còn được gọi là ba vị thần thông thái hoặc ba vị thần bất tử) để trưng bày trong nhà hoặc văn phòng làm việc? Ba vị thần này có được con người thờ cúng hay không? Có nguyên tắc nào cần tuân theo ghi trưng bày tượng thần Phúc, Lộc, Thọ hay không? Hãy cùng khám phá.

Câu chuyện về ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ
Theo nhiều nguồn phong thủy khác nhau, có rất nhiều truyền thuyết về ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ. Một trong những truyền thuyết phổ biến nhất dựa trên niềm tin rằng ba vị thần chính là hiện thân của những năng lượng thiên đường cụ thể đã có sẵn vì lợi ích của con người.
Phúc thần chủ về may mắn, sức khỏe và hạnh phúc. Tương truyền, ông Phúc là một quan thanh liêm của triều đình. Theo quan niệm xưa, nhà đông con là nhà có phúc nên đôi khi còn thấy có một đứa trẻ đang nắm lấy áo ông Phúc, hoặc nhiều đứa trẻ vây quanh ông hay là có hình ảnh con dơi bay xuống ông (dơi phát âm giống "phúc").

Sự hiện hữu của ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ đảm bảo cho gia chủ sức khỏe, sự thịnh vượng và tài lộc.

Lộc thần hay Thần Tài chủ về sự giàu có, thịnh vượng. Theo truyền thuyết, ông Lộc được sinh tại Giang Tây, sống trong thời Thục Hán của Trung Quốc, ông còn là một quan lớn của triều đình, có nhiều tiền của. Ông thường mặc áo màu xanh lục vì trong tiếng Hoa, "lộc" phát âm gần với "lục", hoặc thường có một con hươu đứng bên cạnh (hươu cũng được phát âm giống "lộc").
Thọ thần chủ về sự sống lâu. Vị thần này gắn liền với hình ảnh là một ông già râu tóc bạc trắng, trán hói và dô cao, tay cầm quả đào, bên cạnh thường có thêm có con hạc.

Cách trưng bày tượng ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ
Tượng ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ luôn luôn được đặt ở những vị trí cao ráo và có năng lượng tốt, ví dụ như đặt trên một chiếc bàn cao trong phòng khách hoặc trên một chiếc kệ cao tại văn phòng làm việc. Đặt tượng Phúc, Lộc, Thọ ở những vị trí và bề mặt thấp, trong phòng bếp, phòng tắm hay phòng ngủ đều được đánh giá là sự thiếu tôn trọng và rất xấu theo phong thủy.

Lưu ý trưng bày tượng Phúc, Lộc, Thọ ở vị trí trang trọng nhất trong nhà để tỏ lòng tôn kính và thu hút được nhiều vượng khí hơn.

Ba ông Phúc, Lộc, Thọ luôn được đặt cạnh nhau, không bao giờ tách rời và theo thứ tự cụ thể. Bên trái luôn luôn là ông Phúc với tất cả nguồn năng lượng phước lành và may mắn. Ở giữa là ông Lộc với niềm tin về sự thành công và tài chính ổn định. Ông Thọ luôn ở bên trái, mỉm cười và ban tặng những món quà của tuổi thọ và cuộc sống yên bình.
Mặc dù được gọi là thần nhưng ông Phúc, Lộc, Thọ không được con người thờ cúng bởi vì niềm tin chỉ cần trưng bày tượng ba vị thần này trong nhà hoặc văn phòng làm việc cũng đủ thu hút vượng khí chủ về phúc, lộc, thọ.
Tượng Phúc, Lộc, Thọ nên được trưng bày trong phòng khách, phòng làm việc, quầy kinh doanh. Mặt cả ba vị thần cùng nhìn ra phía cửa chính.

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

THƯ CẢM ƠN

Chào các bạn!

Chương trình luận giải huyền học để lấy kinh phí bổ xung vào quỹ từ thiện Tấm Lòng Vàng và duy trì diễn đàn được thực hiện thành công tốt đẹp trong hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 4 năm 2014 vừa qua.

Chương trình đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các học giả, các nhà tư vấn và các bạn có lòng đam mê những môn thuật số cổ truyền phương đông. Thông qua chương trình này, chúng tôi cũng đã quyên góp được số lượng tài chính cần thiết để có thể tổ chức các hành trình trao quà từ thiện cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để có được kết quả này, chúng tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn tới tất cả các học giả, các nhà tư vấn đã đồng hành cùng chúng tôi trong thời gian vừa qua! Cảm ơn các bạn đam mê huyền học phương đông đã tin tưởng và ủng hộ chương trình!

Chúng tôi dự đinh với số tài chính thu được lần này sẽ dùng để tổ chức trao quà từ thiện tại Hà Nam!


Thay mặt hội Lý Số Việt Miền Bắc

LƯỢNG THIÊN XÍCH



Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

KHÁM PHÁ VỊ TRÍ ĐÀO HOA VÀ ĐÀO HOA SÁT

Trong nhà bạn, có những vị trí mang lại cho bạn vận đào hoa, may mắn về tình duyên, nhưng cũng có những vị trí đào hoa sát nếu phạm phải sẽ dẫn đến những ly tán và thất bại trong tình cảm.

Cách xác định vị trí đào hoa của ngôi nhà

Để xác định vị trí đào hoa, bạn có thể dùng la bàn và đứng ở vị trí chính giữa ngôi nhà. Bằng cách này, bạn sẽ biết vị trí đào hoa của nhà mình nằm tại đâu.

- Nhà hướng Nam, thuộc Hỏa: vị trí đào hoa ở hướng Tây (hướng Dậu).

- Nhà hướng Tây, Tây Bắc, thuộc Kim: vị trí đào hoa ở hướng Bắc (hướng Tý).

- Nhà hướng Bắc, thuộc Thủy: vị trí đào hoa ở hướng Đông (hướng Mão).

- Nhà hướng Đông, Đông Nam, thuộc Mộc: vị trí đào hoa ở hướng Nam (hướng Ngọ).


- Nhà hướng Tây Nam, Đông Bắc, thuộc Thổ: vị trí đào hoa ở hướng Tây (hướng Dậu).

Cách xác định vị trí đào hoa của cá nhân

Với người còn đang kiếm tìm một nửa muốn gặp vận đào hoa thì ngoài 4 hướng chính như trên, cần phải kết hợp cầm tinh trên cơ sở năm sinh âm lịch của mình để xác định vị trí đào hoa.

- Người tuổi Hợi, Mão, Mùi: vị trí đào hoa ở hướng Tý (Bắc).

- Người tuổi Tỵ, Dậu, Sửu: vị trí đào hoa ở hướng Ngọ (Nam).

- Người tuổi Dần, Ngọ, Tuất: vị trí đào hoa ở hướng Mão (Đông).


- Người tuổi Thân, Tý, Thìn: vị trí đào hoa ở hướng Dậu (Tây).

Cách kích thích vận đào hoa

Khi xác định được vị trí đào hoa (đào hoa vị) của người đó, hãy đặt tại vị trí này một số vật khí phong thủy tốt cho tình duyên : tranh mẫu đơn, tranh uyên ương... để kích thích vận đào hoa, giúp tìm được người bạn đời lý tưởng.

Tại vị trí đào hoa, bạn có thể đặt bể không có cá nhưng phải chứa đầy nước hoặc đặt bình hoa có nước, trong đó chưng hoa tươi hoặc cây thủy sinh.

Các chuyên gia phong thủy cho rằng, tốt nhất nên chọn bể cá hoặc bình hoa hình tròn vì nó tượng trưng cho sự viên mãn, đầy đủ. Ngoài ra, màu sắc và hướng đặt bình cũng cần phù hợp với ngũ hành:

- Đào hoa vị ở hướng Đông: Đặt bình hoa màu xanh lục.


- Đào hoa vị ở hướng Nam: Đặt bình hoa màu đỏ, tím, cam.- Đào hoa vị ở hướng Tây: Đặt bình hoa màu vàng kim (vàng óng), màu trắng.- Đào hoa vị ở hướng Bắc: Đặt bình hoa màu đen, xám.Sau khi cắm hoa tươi vào bình, bạn sẽ thấy mình sẽ gặp vận đào hoa trong một thời gian không xa.

Muốn thêm tác dụng thì có thể kích thích vận đào hoa thêm ở những khu vực sau:

- Nên đặt một ly nước đầu giường: Trong phong thủy truyền thống, giấc ngủ sẽ mang đến năng lượng tốt đẹp, ảnh hưởng lớn tới tình duyên. Vì thế, khi bạn bị mất ngủ thì nguồn năng lượng đó sẽ dần dần mất đi. Để giữ nguồn năng lượng cho phòng ngủ, bạn có thể đặt ở đầu giường một ly nước và nên sử dụng ly nước với chất liệu gốm là tốt nhất.


- Thắp thêm ánh đèn lãng mạn: Vẻ đẹp của những nguồn ánh sáng dìu dịu sẽ mang đến không khí lãng mạn trong phòng giúp bạn thêm tự tin và yêu đời hơn. Đó là cách đơn giản giúp tâm trạng của bạn ổn định và luôn giữ được sự thoải mái. Muốn duy trì hoặc để bắt đầu một tình yêu thì bạn nên cần giữ được sự ôn hòa trong tâm hồn.

- Trang trí lại cửa sổ: Có thể căn phòng ngủ của bạn luôn có cảm giác lạnh lẽo bởi khung cửa sổ được thiết kế bằng kim loại như sắt, nhôm... Vì thế, bạn nên sử dụng chất liệu bằng gỗ cho cửa sổ, hoặc nếu đã sử dụng kim loại thì bạn nên lắp rèm vải với những màu sắc dịu dàng như vàng, hồng, cam và nên đặt một vài chậu cây bên cạnh cửa sổ giúp không gian nghỉ ngơi ấm áp và mềm mại hơn.Đối với phòng ngủ vợ chồng, đặt chậu cây hay treo các chậu hoa bên khung cửa sẽ kích thích luồng khí tích cực giúp hôn nhân hạnh phúc hơn.- Sử dụng màu sắc lãng mạn: Theo phong thủy, màu đỏ, cam, vàng là những màu sắc luôn mang đến sức sống cho căn phòng và là màu kích thích cảm xúc của con người. Vì thế, trong phòng ngủ bạn nên sử dụng đồ nội thất, đồ trang trí hoặc những bức tranh treo tường với ba màu sắc trên sẽ góp phần tăng tính xúc tác của tình yêu và tăng cơ hội giúp bạn tìm được người yêu nhanh hơn.

Tránh phạm phải đào hoa sát

Khi bài trí đồ vật trong nhà hay căn phòng, cần chú ý để tránh phạm phải đào hoa sát. Tuyệt đối không đặt bình hoa rỗng tại vị trí đào hoa của bản thân hoặc vợ/chồng mình. Đây là một loại sát rất xấu trong phong thủy nhân duyên. Nó sẽ khiến chồng hoặc vợ dễ nảy sinh các mối quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân dẫn đến ly hôn; người còn độc thân dễ bị ế.

Không đặt bể cá rỗng ở vị trí đào hoa, nếu không, sẽ có chuyện ngoại tình, không sao bỏ được.

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St


Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

NGUỒN GỐC NHỮNG LOẠI NGỌC PHONG THỦY QUÝ HIẾM CỦA TRUNG HOA

Trong “Đông Châu Liệt Quốc” có nói : “Nhà Chu có ngọc Chỉ Ách, nước Tống có ngọc Kết Lục, nước Sở có ngọc Biện Hòa, nước Lương có ngọc Huyền Lê.”

Người Hoa cho rằng ngọc là vật quý, hội đủ 5 đức tính cơ bản của con người gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, do đó ngọc rất được tôn sùng. Ngày xưa, chỉ những nhà quyền quý mới có thể sở hữu ngọc, vua chúa dùng nó làm biểu tượng cho quyền lực, địa vị tối cao (như ngọc tỷ - con dấu riêng của hoàng đế dùng đóng dưới các văn kiện quan trọng). Có thời, dân thường không được dùng bạch ngọc làm của riêng, bởi nó chỉ được dùng làm ngọc tỷ, ngọc bội cho hoàng thất mà thôi.

Các bạn có biết???
Khoảng 300 năm trước công nguyên, ở nước Sở, vào thời Lệ Vương, có Biện Hòa là 1 thường dân may mắn tìm được 1 hòn đá tảng, ông ta biết chắc bên trong là loại ngọc cực quý nên đi hiến cho vua để tỏ dạ trung thành. Lệ Vương nhìn thấy hòn đá thô thiển, có ý xem thường, bèn bảo 1 viên thái giám đập ra mài thử xem thật giả. Tên thái giám này sợ Biện Hòa có công dâng ngọc sẽ được sủng ái hơn mình nên bảo là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt mất 1 chân.


Ấn Ngọc - Một trong những biểu tượng của sự quyền thế

Ít lâu sau, Lệ Vương băng hà, Vũ Vương kế vị. Biện Hòa lại xin vào dâng ngọc, viên quan được vua sai thử ngọc có tư thù với ông nên lại tâu là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt nốt chân kia. Quá uất hận, Biện Hòa ôm tảng đá, lao đầu vào tường toan tự tử, Vũ Vương ngăn lại, cho người đập vỡ tảng đá ,đích thân xem xét phiến ngọc và nhận ra nó cực kỳ quý giá. Nhà vua hối hận nhưng đã muộn, vì Biện Hòa đã tàn phế, máu của ông đã loang đỏ khắp sân triều. Từ đó, viên ngọc quý này được gọi là "Biện Hòa bích ngọc" hay "Hoà thị bích"-viên ngọc đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa.
Thứ ngọc quý được nói đến ở trên vốn chỉ là 1 loại đá trắng trong nhân của đá tảng. Ngày nay người ta cắt thành từng miếng vuông rồi mài dũa công phu thành chiếc vòng trơn láng, sau đó nhuộm với 1 loại thuốc nhuộm cực mạnh trong lò áp suất khoảng 24h rồi vớt ra treo thành từng chùm phơi cho thật nguội, lưu ý là mọi quy trình đều thực hiện trong phòng kín. Vì thế người thợ làm nghề này từ 5-10 năm là 2 lá phổi đã tổn thương hoàn toàn. Thế mà vẫn có hàng tỉ người Trung Quốc quyết tâm gìn giữ chiếc vòng truyền thống này .
Nói thế chắc các bạn ai cũng nghĩ đó là chiếc vòng Cẩm Thạch. Thế nhưng loại Cẩm Thạch này lại có xuất xứ từ Miến Điện (Mianma). Cẩm Thạch Miến Điện thì nó màu xanh và ánh sáng xuyên qua nhìn rất đẹp, đây mới được gọi là "Lục Ngọc hoàng gia". Cẩm thạch có cái tên như vậy cũng vì thứ ngọc này ngày xưa được hoàng tộc thu mua hết rồi chạm trổ thành báu vật và được đặt tên riêng .
Đây là 1 cây cải bằng ngọc tuyệt đẹp đầy tinh tế của nghệ nhân Trung Quốc, biết dùng phần ngọc màu xanh để làm lá cải còn phần ngọc màu trắng làm thân cải, cái hay ở chỗ cả 2 phần ngọc xanh và trắng này đều cùng 1 khối ngọc.


Bắp cải Phong Thủy bằng ngọc phỉ thúy - một tác phẩm tuyệt đẹp

Ắt hẳn các bạn đều nghe nhắc đến tên ngọc Phỉ Thuý vì loại ngọc này xuất hiện nhiều nhất trong những bộ phim cổ trang Trung Quốc. Thật vậy, đời Từ Hy thái hậu, loại ngọc này đã rất quý giá và có trị giá liên thành. Đây là 1 loại ngọc bích cự kì quý hiếm, ngọc có màu sắc trong suốt, thuần xanh lá mạ non.
Người xưa tương truyền nếu tạc xong 1 bức tượng hình chim bằng loại ngọc Phỉ Thúy này... thì đừng nên "điểm tinh" cho con chim (điểm tinh là dùng màu đen chấm vào tròng mắt con chim). Nếu điểm tinh thì con chim nầy trước sau nó cũng bay mất, cho dù chủ nhân cất giữ cách nào đi chăng nữa... nó thành loại chim đẹp như chim Phỉ Thúy rồi.
Ngọc bích có độ cứng rất cao nên người xưa dùng ngọc làm vũ khí như: mũi tên, dao găm... họ tin tưởng khi chết nên dùng ngọc làm áo quan. Triệu Đà dùng ngọc làm áo giáp, quan tài... ông ta dùng đến 2000 miếng ngọc loại cực tốt, xanh um... đính với dây vàng... làm áo quan vô cùng lộng lẫy... Nhiều huyệt mộ xưa thời nhà Chu, người ta đào thấy nhiều mảnh ngọc dẹt y như cái dĩa cơm, nhưng lỗ khuyết ngay tâm, vì họ biết đó là biểu tượng thiêng. Trong tiểu thuyết Kim Dung cũng có nhắc đến 1 loại vũ khí được làm bằng ngọc, đó là Lục Ngọc trượng-trấn bang chi bảo của Cái Bang, chỉ có bang chủ mới được sở hữu, sử dụng và cứ thế, các tiền nhiệm bang chủ lại truyền cho đời sau.


Rồng Xanh bằng ngọc bích - chuyên dùng để hóa giải kẻ tiểu nhân

Theo niềm tin của người Hoa, ngọc thạch có những tính năng siêu phàm: trị bệnh, giải độc, giúp trường sinh bất lão, giữ xác chết mãi mãi nguyên vẹn, mang lại phúc lành, yên lành...
Trong các ngôi mộ cổ được khai quật gần đây ở miền trung Trung Quốc, người ta tìm thấy rất nhiều ngọc thạch. 1 điều hết sức lạ ở những ngôi mộ đó là có rất nhiều ngọc thạch chôn theo, xác chết vẫn còn nguyên vẹn dù đã hơn 2.000 năm. Loại ngọc đó gọi là "ngọc chôn theo người chết" hay "ngọc dưới mồ".
Chẳng hạn như trường hợp của hoàng tử Liêu Thân và vợ là Tôn Vãn thuộc triều Hán, đã được chôn gần 2 thiên niên kỷ. Khi khai quật, những người chứng kiến đã vô cùng kinh ngạc bởi cả 2 xác chết vẫn còn nguyên vẹn, chẳng khác gì các xác ướp trong hầm mộ của người Ai Cập cổ đại. Các thi thể chẳng hề được tẩm ướp bất cứ thứ gì, nhưng bên cạnh có rất nhiều ngọc. Sau khi nghiên cứu kỹ, các nhà khai quật cho rằng, chính ngọc thạch đã giữ được sự nguyên vẹn của thi hài.
Những viên ngọc chôn 1 thời gian dài dưới mồ sau khi đào lên có sự biến đổi khác thường: bạch ngọc từ trong suốt trở nên đục hơn, từ bên trong ửng lên các vân màu hồng, giống như những sợi chỉ máu, cẩm thạch từ màu xanh lục biến thành sẫm hơn, ửng hồng như nhuộm với máu... riêng hồng ngọc, hoàng ngọc, lam ngọc... màu sắc cũng sẫm thêm nhưng khi đặt dưới ánh sáng mặt trời hay ánh sáng đèn, chúng rực lên 1 thứ ánh sáng lung linh kỳ dị, như từ 1 cõi u linh nào đó.
Người ta cho rằng, những viên ngọc đó đã thấm máu và tinh khí từ cơ thể người, hay đúng hơn là thấm hồn người chết. Do đó nó càng trở thành vô giá, cực kỳ linh thiêng.


Ngọc dạ minh châu - một loại ngọc hiếm

Tương truyền, Từ Hy Thái hậu vẫn giữ được sự tươi trẻ, uy nghiêm khi sắp qua đời là nhờ có khả năng kỳ diệu từ ngọc, bà ta được 1 nhà sư Tây Tạng bí mật chỉ cho cách dùng ngọc để giúp làn da mãi tươi nhuận, dù già vẫn không có nếp nhăn bằng cách: dùng ngọc trai nấu nhừ, tán nhuyễn, pha với sữa của phụ nữ có con so rồi thoa lên mặt, lên da mỗi buổi sáng và tối. Và quả thực Từ Hy khi đã trên 60 vẫn có nhan sắc của 1 phụ nữ trẻ.
Không chỉ vậy, người ta còn cho rằng sự tươi trẻ đó 1 phần cũng nhờ 2 viên bạch ngọc thuộc loại quý hiếm nhất, có kích cỡ bằng quả trứng mà thái hậu luôn mang theo người. Bà tin rằng nếu mãi giữ 2 viên ngọc quý bên người thì sinh lực dồi dào và đẩy lùi được mọi bệnh tật.


Vòng tay ngọc - 1 loại nữ trang của Từ Hy

Người Hoa đã biết dùng ngọc trên 7.000-8.000 năm nay rồi. Ngọc có nhiều màu sắc: đỏ, cam, vàng, lục, lam, trắng, đen, tím... nhưng người Hoa lại trọng màu xanh lá mạ nhất.
Đây là 1 số màu sắc tiêu biểu của ngọc:


Đây là 1 số màu sắc tiêu biểu của ngọc

Người Hoa cho rằng Ngọc phát xuất từ núi Côn Luân là tốt nhất. Nhưng thật sự không bằng ngọc phát xuất từ Miến Điện, tại xứ Miến có vài mỏ Cẩm Thạch lộ thiên, đa số tại cực bắc xứ Miến. Vì thế các loại ngọc tốt nhất có màu xanh lá mạ chính hiệu đều xuất thân từ Miến Điện.


Ngọc dạ minh châu - Với đường kính 1,6m, 
viên ngọc khổng lồ này đã trở thành viên ngọc lớn nhất thế giới.

Dạ minh châu là 1 loại ngọc hết sức kỳ lạ và giá trị của nó cũng được đánh giá qua sự kỳ lạ đó, loại ngọc này thường có dạng viên sau khi được mài dũa 1 cách tinh tế, loại ngọc này cực kỳ quý hiếm, chỉ có hoàng tộc mới được sở hữu và thường được dùng làm cống phẩm. Nét đặc trưng ở loại ngọc này là 1 tính năng không thể nhầm lẫn với bất kỳ 1 loại ngọc nào khác. Dù ở bất kỳ ánh sáng nào, viên dạ minh châu đều có thể tỏa ra 1 ánh sáng trong và đặc biệt quyến rũ khi ở trong bóng tối. Nguyên nhân dạ minh châu phát sáng là vì nó có chứa 1 tỉ lệ rất nhỏ hàm lượng các đồng vị phóng xạ [đa số là phốtpho(P)], các đồng vị phóng xạ này phân rã sinh ra các tia phóng xạ va đập vào các phân tử khác gây ra hiện tượng quang điện làm nó phát sáng. Tuy nhiên bạn có thể an tâm việc rằng vào 1 ngày đẹp trời nào đó, bỗng viên dạ minh châu của bạn tắt lịm, bởi vì chu kỳ bán rã của những chất phóng xạ này là rất lớn (hàng triệu năm).


Ngọc Trai - một loại ngọc quý dùng làm trang sức tuyệt đẹp

Đã nói đến ngọc Trung Hoa thì không thể nào bỏ sót trân châu hay còn gọi là ngọc trai, ngọc trai sau khi được khai thác và mài dũa là 1 vật hình cầu, cứng, được 1 số loài động vật tạo ra, chủ yếu là loài thân mềm (nhuyễn thể) như con trai. Ngọc trai được sử dụng làm đồ trang sức và cũng được tán thành bột để dùng trong mỹ phẩm. Ngọc trai được đánh giá là 1 loại đá quý, được nuôi và thu hoạch để làm đồ trang sức. Vì thế mà ngọc trai được chia làm 2 loại: ngọc trai nước mặn và nước ngọt, ngọc trai nước ngọt phần lớn là ngọc trai nuôi trong hồ, còn ngọc trai nước mặn được những con điệp, hàu bao sống ở các vịnh biển tạo ra. Thành phần chính của ngọc trai là xà cừ gồm canxi cacbonat và conchiolin do loài nhuyễn thể tiết ra. Giá trị của ngọc trai được đánh giá qua độ lớn và ngọc trai càng tự nhiên thì càng quý. Từ xưa, người Trung Quốc đã biết sử dụng ngọc trai nguyên như 1 loại trang sức và khi tán nhuyễn ra có thể dùng làm dược phẩm hay mỹ phẩm.


Tượng cóc 3 chân trong phong thuỷ được làm từ hắc ngọc.

Người Hoa ngày nay vẫn tin rằng ngọc thạch có nhiều khả năng kỳ lạ, huyền bí nên vẫn tôn sùng thứ bảo thạch đó và đem cái đam mê này truyền sang cho rất nhiều người trên thế giới.


Một phôi ngọc phỉ thúy tự nhiên


LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

CHƯƠNG TRÌNH LUẬN GIẢI HUYỀN HỌC GÂY QUỸ TỪ THIỆN VÀ XÂY DỰNG DIỄN ĐÀN


Chào các bạn!

Theo kế hoạch, trong tháng 4 này hội Lý Số Việt Miền Bắc sẽ tổ chức luận giải huyền học gây quỹ từ thiện.


MỤC ĐÍCH.

Nhằm khơi dậy những giá trị nhân văn tốt đẹp trong mỗi con người, những giá trị đã trở thành truyền thống của dân tộc ta, đó là tinh thần tương thân tương ái, sự sẻ chia với những gia đình còn khó khăn, những mảnh đời bất hạnh để thông qua đó ươm trồng nên những mầm thiện, tạo phúc, tích đức và làm cho mọi người đến gần nhau hơn, xã hội tốt đẹp hơn.

NỘI DUNG.

Chương trình sẽ tư vấn các lĩnh vực về

Phong thủy
Dịch lý
Chọn ngày
Xem số điện thoại
Tử vi
Nhân tướng
Đông y
Lục nhâm
Phù chú

Những người tư vấn là những người có chuyên môn cao, đã sát cánh cùng chúng tôi trong nhiều lần tổ chức luận giải trước đó và nhận được sự tín nhiệm cao trong giới học thuật và những nhà hảo tâm.

Thời gian tổ chức: Từ 08h00 đến 18h00 các ngày 05 và 06 tháng 04 năm 2014 (Tức thứ bảy và chủ nhật) 

Địa điểm: Hội quán Lý Số Việt. Số 1 - Khu biệt thự Mễ Trì Hạ - đường Đỗ Đức Dục - Hà Nội.


Chương trình rất mong nhận được sự ủng hộ của các bạn đam mê huyền học, của các nhà hảo tâm, sự giúp đỡ của các bạn tình nguyện viên và các thành viên trên diễn đàn.



Thay mặt hội Lý Số Việt Miền Bắc

LƯỢNG THIÊN XÍCH