Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

TRAO QUÀ TỪ THIỆN CHO HAI TRƯỜNG HỢP KHÓ KHĂN THÁNG 12.2014

Chào các ban!

Trong tháng 12 này, phu nhân của anh Ngô Trung Ninh - Sáng lập viên diễn đàn Lý Số Việt (http://lysoviet.vn) đã thay mặt diễn đàn trao tặng số tiền 2.000.000VNĐ cho chị Nguyễn Thị Bích Hường, hiện đang tạm trú tại tổ 21B - Bình Thái - phường Hòa Thọ Đông - quận Cẩm Lệ - Đà Nẵng để giúp đỡ chị về chi phí cho ca mổ tim sắp tới.


Bệnh của chị đã diễn ra trong 8 năm nhưng vì gia đình khó khăn (Vợ chồng chị là lao động phổ thông, hiện có 2 con nhỏ và ở nhà thuê) nên không có điều kiện chạy chữa. Nay bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đã có kết luận chị đang trong tình trạng suy tim, một van hẹp, một van hở, toàn thân phù nề, vì vậy cần mổ gấp.



Cũng trong thời gian này chúng tôi đã tiến hành hỗ trợ bé Vũ Nhật Hà Vy, 2,5 tuổi, địa chỉ thường trú tại Nhân Mỹ - Mỹ Đình - Nam Từ Liêm - Hà Nội. Hiện đang điều trị tại Viện huyết học và truyền máu trung ương vì chẳng may mắc phải căn bệnh ung thư máu hiếm gặp, đến nay khoa học cũng chưa có chứng minh lâm sàng về diễn biến bệnh tình của bé.

Thay mặt diễn đàn, chúng tôi đã tiến hành hỗ trợ bé với số tiền 5.000.000VNĐ để bé và gia đình có thêm nguồi kinh phí điều trị bệnh.

Rất mong chị Bích Hường và bé Hà Vy nhanh chóng khỏi bệnh!


Thay mặt diễn đàn Lý Số Việt

LƯỢNG THIÊN XÍCH

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

KẾT HỢP GIỮA PHONG THỦY VÀ KINH DỊCH ĐỂ LÀM SÁNG TỎ NGUYÊN NHÂN.

Tối muộn hôm đó tôi có tới một cửa hàng nằm trên phường Liễu Giai - Hà Nội để xem phong thủy. Lần đó không hiểu sao đo được 193 độ, tọa Quý hướng Đinh. Nếu là độ số này thì vận 8 được cách cục Ly cung đả kiếp, vượng khí đáo hướng nên tài chính thịnh vượng, việc buôn bán thuận lợi.

Tuy nhiên có lẽ do xem vào buổi tối, lại thiếu ánh sáng nên tôi chưa chắc chắn lắm về độ số này, phân vân suốt, vì vậy mới hẹn để sáng hôm nào đó đến xem lại.

Sáng hôm sau lại đến, ngắm ngoại cảnh một lúc rồi lấy la kinh ra đo thì thấy 191,5 độ, giật mình vì thấy trực giác của mình đúng.

Tọa Quý hướng Đinh, kiêm hướng, vận 8.

Như vậy là nhà hàng này tọa Quý hướng Đinh, kiêm hướng 3,5 độ nên phải dùng thế quái. Vận khí thay đổi hoàn toàn, từ thế cục Ly cung đả kiếp trở thành thế cục Hỏa khanh. Suy khí chiếu đến hướng thì tài chính hao tán, năm nay trước hướng phạm Thái Tuế, lại có Bát Bạch đáo đến nên vận khí năm nay rất tệ. Ứng với cả năm nay ngừng kinh doanh do quản lý yếu kém.

Để cho chắc chắn, tôi lại gieo thêm một quẻ hỏi về tài vận của nhà hàng này, được quẻ Di biến Khuê.


Hào tài bị nhật thần khắc, hào huynh đệ là kị thần cũng động hóa tiến thần khắc tài.
Như vậy đã rõ, Cần phải xử lý để nhà hàng này đón được tài khí, thúc đẩy kinh doanh và làm cho tài chính tích tụ.

Có những căn nhà, cuộc đất chỉ khác 1 độ thôi là cũng ra vấn đề khác. Lúc đó nếu chưa chắc chắn, ta nên dùng kết hợp phong thủy và quẻ dịch thì vấn đề sẽ được sáng tỏ.


LƯỢNG THIÊN XÍCH

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

QUẺ HỎI VIỆC BÁN NHÀ CÓ ĐƯỢC KHÔNG

Có người tại quận Hoàng Mai - Hà Nội cần bán nhà, đăng tin rao bán đã lâu mà chưa bán được nên có nhờ tôi đến kích hoạt tài khí của căn nhà đang ở với mong muốn sẽ nhanh bán được căn nhà đang rao bán kia.

Sau khi chỉnh bố cục phong thủy xong, chủ nhà liền gieo một quẻ nhờ tôi xem khi nào sẽ bán được. Gieo được quẻ Đồng Nhân biến Tùy.


Quẻ này hào thê tài được nguyệt lệnh và nguyên thần tử tôn động tương sinh nên vượng. Hào thê tài là thân kim nên chờ đến tháng 7 âm lịch sẽ bán được nhà.

Sau quả nhiên vừa bước qua tiết lệnh của tháng 7 liền bán được nhà, hoàn tất thủ tục sau đó một tuần.


LƯỢNG THIÊN XÍCH

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

CẢI TỬ HOÀN SINH NHỜ QUẺ DỊCH

Kinh Dịch là một bộ môn triết học cổ ẩn chứa rất nhiều sự vi diệu của cuộc sống. Không những là môn triết học tìm hiểu về nhân sinh quan, thế giới quan của người xưa, Kinh Dịch còn là một môn dự trắc rất sâu rộng. Hầu hết các vấn đề của cuộc sống, chúng ta đều có thể tìm được lời giải đáp dựa vào phương pháp gieo quẻ.

Trong kho tàng Dịch Học Đông Phương có rất nhiều ghi chép về những nghiệm chứng của tiền nhân để lại, trong đó đáng chú ý là các nghiệm chứng kết hợp Dịch Lý và Y Lý để chẩn bệnh cứu người.

Sách Tăng San Bốc Dịch, Dã Hạc Lão Nhân có để lại một chứng nghiệm rất có giá trị về mặt học thuật như sau:

Một hôm, mới đầu canh một đã có người gõ cửa nói rằng: "Cậu chủ nhà tôi có bệnh, xin mời thầy đến xem giúp một quẻ." Ta (Tức Dã Hạc Lão Nhân) hỏi xem mắc bệnh bao giờ? Đáp rằng từ Sơn Đông trở về liền mắc bệnh. Ta liền tự xem một quẻ, lúc đó ngày Nhâm Tý, tháng Mùi, được quẻ Tiết biến Tỷ.


Hào tài tị hỏa trì thế, được hảo tử tôn động tương sinh nên đi sẽ có ích. Khi đến nhà người này gặp lúc thầy lang đang bốc thuốc.

Ngày Nhâm Tý, cha xem về bệnh của con, được quẻ Giải biến Khảm.


Ta nhìn quẻ này thì sinh nghi, bệnh gần gặp quẻ lục xung sẽ không đến nỗi chết. Nhưng tử tôn lại biến quỷ, lại chủ về ốm chết, nên không dám đoán ngay, mà lại bảo người thâm xem lại. Chú xem về bệnh của cháu được quẻ Khôn.


Lại gặp quẻ lục xung nên bệnh này không thể chết được. Bèn hỏi xem trước đây có mắc bệnh gì không, người nhà bèn đáp rằng: Chưa hề mang bệnh. Suốt trên đường từ Sơn Đông về cũng không ốm đau gì. Đột nhiên đến chiều tối lăn lộn khắp giường, cấm khẩu không nói được. Ta bèn nói:

- Nếu không phải là tái phát bệnh cũ, ta đảm bảo sẽ nhanh chóng khỏi bệnh.

Lại mời thầy lang xem quẻ, được quẻ Tỉnh biến Minh Di.


Hào ứng chỉ bệnh nhân, hào thế khắc hào ứng, thì không đáng ngại, vì là khắc chế bệnh của bệnh nhân. Nhưng hiềm vì hào ứng hóa hồi đầu khắc, nên chắc chắn là do dùng nhầm thuốc.

Ta bèn hỏi chủ nhà rằng:

- Đã uống thuốc chưa?

Đáp rằng: "Chưa nấu xong".

Ta lại hỏi thầy lang:

- Người này mắc bệnh gì? Đã kê những loại thuốc gì?"

Thầy lang bèn đáp:

- Vào ngày tam phục, do trên đường đi trúng nắng, nên chỉ khai đơn thuốc mát giải nhiệt.

Ta bèn nói riêng với chủ nhà rằng:

- Con trai ông đáng ra không chết, nhưng lại gặp quẻ phải chết, e rằng do thuốc không đúng bệnh, nên mời thầy thuốc xem lại.

Thầy lang nói bệnh nhân liên tục lăn lộn, không bắt được mạch, bèn hỏi gia nhân xem tình hình đi đường ra sao, người nhà bèn đáp:

- Đến nhà thấy quá nóng nực, bèn chuyển giường ra chỗ đón gió ngoài hành lang, đặt hai tảng đá lạnh lớn ở phía dưới giường, sai nữ tỳ đến quạt, một chốc đã ngủ say. Bỗng dưng lăn lộn, kêu lên mấy tiếng, rồi cấm khẩu không nói được.

Như vậy, người đang nóng bức mà nằm trên đá lạnh, đón gió, lại bảo nữ tỳ đến quạt, nguyên nhân mắc bệnh vì đâu đã rõ. Thầy thuốc bèn nói:

- Lúc tôi đến xem bệnh, đã dìu người bệnh vào trong phòng, nên không biết chuyện này, nếu thế thì không thể uống thuốc giải nhiệt được.

Ta bèn nói:

- Dùng phụ tử, nhục quế có thể chữa được.

Rồi bảo người cha xem một quẻ.

Ngày Nhâm Tý, xem dùng phụ tử có được không, được quẻ Đại Hữu biến Đại Súc.


Hào tử tôn lâm nhật thần, được hào huynh dậu kim động mà tương sinh, nên đây là phương thuốc hữu hiệu, sẽ lập tức chữa khỏi bệnh.

Thầy thuốc thử dùng nước gừng khô đổ cho, một lúc thì nói được, bảo rằng bụng đau kịch liệt. Ta bèn nói: Mau cho uống thuốc.

Thầy thuốc bèn chữa trị, gia giảm một đêm, đến sáng hôm sau thì khỏi hẳn.

Người này không chết được, vì trước khi ta đến, đã xem được quẻ tử tôn phát động. Về sau xem liền mấy quẻ, tổng hợp lại để suy đoán mới dám dùng thuốc cực nhiệt để cải tử hoàn sinh. Nếu không, cho bệnh nhân uống đơn thuốc giải nhiệt, đã hàn lại thêm hàn, sao có thể sống được.

Thông qua nghiệm chứng này ta thấy rằng Dã Hạc Lão Nhân xưa dụng quẻ thật tài tình, đã kịp thời cùng với thầy thuốc tìm rõ căn nguyên gây bệnh để kịp thời đổi thuốc, cứu sống được 1 mạng người.


LƯỢNG THIÊN XÍCH.

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

TAM BAN XẢO QUÁI VẪN PHÁT HỌA NHƯ THƯỜNG

Nhà chị T tọa lạc tại quận Tân Bình - TP HCM tọa khôn hướng cấn, lập trạch trong vận 8 được cách cục tam ban xảo quái, diễn số phong thủy như sau.

Sơn khôn hướng cấn, vận 8 lập trạch.
Với cách cục này thì sơn thủy đảo nghịch, tài khí và đinh khí đều không đắc vị nên nếu không có bố cục thiết kế nội ngoại thất hợp với lý khí phong thủy thì lập tức phát sinh tai họa do thượng sơn hạ thủy và sơn tinh toàn bàn phục ngâm gây ra.

Tiếc rằng thiết kế nhà này lại không tuân theo nguyên tắc phong thủy nên hao tài tổn đinh, cụ thể hướng nhà và phương tọa không có vượng khí mà có Ngũ Hoàng và Nhị Hắc đáo đến. Đây là 2 sao tối độc trong phong thủy, chiếu đến hướng nhà thì tài vận hao tổn, phát sinh tai họa bệnh tật và tai nạn.

Thực tế chủ nhà là một doanh nhân nhưng kinh doanh thường xuyên thất bát, tài chính khó tụ, bản thân mang bệnh khó chữa và đã từng thập tử nhất sinh, con trai thường bị tai nạn.

Vị trí tài khí chiếu đến lại đặt nhà vệ sinh tại đó, tự nhiên cát khí bị uế tạp.

Bếp cũng tọa khôn hướng cấn, hấp thu sát khí và làm cho sát khí đắc địa, hơn nữa lại đặt bếp tọa vào tường nhà vệ sinh.

Ban thờ cũng quay về hướng cấn, lại có xà ngang đè lên ban thờ. Đa số người miền nam không thờ thổ công, và nhà này cũng vậy

Chính những bố cục nội thất như trên cũng ảnh hưởng tiêu cực đến gia đạo nhà này không nhỏ, vì vậy tai họa đưa đến là điều đương nhiên.


LƯỢNG THIÊN XÍCH

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

QUẺ XUẤT HÀNH

Ngày 22.03.2014 nhân có một chuyến hành trình đi công tác xa bằng ô tô, giữa lúc có nhiều thông tin về các vụ tai nạn giao thông được lan truyền, tâm tôi thoáng động liền gieo một quẻ hỏi chuyện xuất hành lần này có an toàn không, được quẻ Tổn biến Đại Súc.


Quẻ này hào huynh đệ sửu thổ trì thế, được nhật thần tương trợ nên vượng địa, lại động hóa tiến thần thì suốt chuyến hành trình không có hạn nào hại đến thân.

Sau quả nhiên suốt chuyến công tác được an toàn, mọi việc đều thuận lợi như ý.


LƯỢNG THIÊN XÍCH

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

HỌC THEO HẠNH BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM: HIẾN TẶNG NĂNG LỰC KHÔNG SỢ HÃI

Thí Vô Úy Giả là một trong những Thánh hiệu của Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Vô úy có nghĩa là không sợ, thí vô úy giả là người hiến tặng năng lực không sợ hãi. Không run sợ, hết lo lắng là niềm an vui, hạnh phúc nhất trên đời, và người có năng lực giúp chúng ta an ổn, bất động trước mọi biến động của cuộc sống chính là Mẹ hiền, Bồ tát Quán Thế Âm.

Bồ Tát Quán Thế Âm.

Kinh Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn) đề cập đến 14 lĩnh vực hiến tặng vô úy của Đức Bồ tát Quán Thế Âm: 

1. Giúp chúng sanh thoát khỏi khổ não; 

2. Giúp chúng sanh không bị lửa dữ thiêu đốt; 

3. Giúp chúng sanh không bị nước lớn nhận chìm; 

4. Giúp chúng sanh không bị ác quỷ làm hại; 

5. Giúp chúng sanh thoát khỏi đao trượng; 

6. Giúp chúng sanh không bị ác quỷ, ác thần trông thấy; 

7. Giúp chúng sanh thoát khỏi gông cùm xiềng xích; 

8. Giúp chúng sanh thoát khỏi giặc cướp; 

9.Giúp chúng sanh dứt trừ tham dục; 

10. Giúp chúng sanh xa lìa nóng giận; 

11. Giúp chúng sanh đoạn trừ si ám; 

12. Giúp chúng sanh cầu được con trai; 

13. Giúp chúng sanh cầu được con gái; 

14. Giúp chúng sanh niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì được vô lượng lợi ích. 

Nói chung là các chúng sanh nào gặp lúc nguy khốn, cấp nạn mà thành tâm niệm danh hiệu Bồ tát thì sẽ được gia hộ khiến thân tâm an ổn, không còn sợ hãi nữa. Nhờ hạnh nguyện cao cả này nên Bồ tát được chúng sanh trong cõi Ta-bà tôn xưng là Thí Vô Úy Giả , "Bậc hiến tặng năng lực không sợ hãi".

Hiến tặng là một nghĩa cử cao đẹp mà hàng đệ tử Phật luôn thực hiện và trau giồi trong cuộc sống hàng ngày. Bước đầu là hiến tặng tài vật (Tài thí), kế đến là hiến tặng giáo pháp (Pháp thí) và sau hết là hiến tặng sự bình an, mang đến cho người niềm tự tin, không sợ hãi (Vô úy thí). Tuy vậy, việc hiến tặng tài vật và giáo pháp đúng nghĩa đã bao hàm ý nghĩa hiến tặng sự bình an, không còn lo sợ. Không chỉ Đức Bồ tát Quán Thế Âm mới là "Bậc hiến tặng năng lực không sợ hãi" mà hết thảy chúng ta, nguyện học theo hạnh Ngài, cũng có thể sẻ chia và hiến tặng bình an, không sợ hãi cho mình, những người thân và hết thảy chúng sanh.

Muốn hiến tặng, dĩ nhiên phải có cái để trao tặng. Như muốn hiến tặng tài vật thì phải có của cải, bạc tiền; muốn hiến tặng giáo pháp thì phải am hiểu và có kinh nghiệm thực hành Phật pháp; muốn hiến tặng bình an, không sợ hãi thì ta phải có bình an, tự tin và không hề sợ sệt. Đức Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát của tình thương (Bi), yêu thương chúng sanh như mẹ thương con nhưng đồng thời Ngài cũng là vị Bồ tát của hiểu biết (Trí). Tuệ giác sáng chói của Ngài là nhìn thấy năm uẩn đều Không (không tự tính, Sunyata). Nhờ an trụ trong tuệ giác duyên khởi, không chấp thủ nên Bồ tát vượt thoát mọi chướng ngại, không còn sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết-bàn (Bát nhã Tâm kinh).

Rõ ràng Bồ tát không hề sợ hãi, bởi Ngài thấy tất cả đều Không. Còn chúng ta luôn lo lắng và sợ sệt vì hầu như thấy tất cả đều có. Chính cái thấy "luôn luôn có" hạn hẹp đó của chúng sanh là nguyên nhân của mọi niềm bất an, sợ hãi. Vì thế, để học theo hạnh vô úy, không sợ của Bồ tát, chúng ta cần mở to đôi mắt trí tuệ để nhìn thật sâu sắc vào tự thân cũng như cuộc sống để thấy như thật rằng "vạn sự vạn vật đều giả có, duyên sanh, như huyễn, rỗng không, không tự tính, Sunyata". Cái thấy của chúng ta càng tiệm cận với chân lý, sự thật bao nhiêu thì chúng ta càng thảnh thơi, tự tại, bình an và vô úy bấy nhiêu. Khi trong ta đã có năng lực tự tin, không sợ hãi, bất động trước mọi biến động rồi thì ta mới có thể hiến tặng năng lực ấy cho người thân, và cho hết thảy mọi người.

Những khổ đau của chúng sanh như lo lắng, sợ sệt và bất an về nhiều phương diện trong cuộc sống xuất hiện gần như thường trực. Không phân biệt tuổi tác, hoàn cảnh và thân phận, ai ai cũng đều mang niềm lo, nỗi sợ. Sợ cái hữu hình cho đến vô hình, sợ đói nghèo và càng lo sợ hơn khi đã được giàu có, sợ những gì đã xảy ra cho đến sắp xảy ra, sợ vô vàn bất trắc xảy đến trong cuộc đời, sợ điều đáng sợ và cả điều không đáng sợ v.v… Cho đến người nhiều may mắn nhất luôn gặp những điều như ý trong đời cũng nơm nớp lo sợ khi tuổi xế chiều, đối diện với cái chết. Lo lắng và sợ hãi luôn đoanh vây, trùm phủ lên kiếp người. Vì thế, Bồ tát luôn phân thân khắp mọi nơi, ngày đêm tận lực cứu độ nhằm giúp chúng sanh bình an, không còn sợ sệt.

Ai đã từng một phen hú vía vì khiếp đảm mới thấu hiểu nỗi khổ của sợ hãi. Nên trước nỗi khổ lo sợ của chúng sanh, người con Phật không thể làm ngơ mà phải tìm cách cứu độ, hiến tặng bình an. Không như hiến tặng tài vật hay giáo pháp, hiến tặng sự không sợ hãi đôi khi không cần bất cứ điều gì to tát, chỉ cần bạn có mặt. Một đứa trẻ chợt khóc thét lên khi không thấy mẹ. Rồi mẹ nó xuất hiện, chỉ cần thấy mẹ thôi là đứa bé hết khóc, không còn lo sợ nữa. Hoặc đã quá giờ hẹn mà chưa thấy người cần gặp, lấy điện thoại ra bấm số và không có tín hiệu trả lời, lòng thấy bồn chồn, lo sợ mơ hồ. Đến khi người hẹn xuất hiện mới thở phào, nhẹ nhõm cả người. Hay lần đầu tiên trong đời ta cất bước đi xa, đến một nơi hoàn toàn xa lạ dù nơi ấy người ta chen chúc nhưng vẫn thấy man mác buồn, trống trải xen lẫn âu lo. Bấy giờ, ta cần lắm một ánh mắt thân thiện, một nụ cười cảm thông. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng làm ta ấm lòng nơi đất khách quê người. Như vậy, ta không cần làm gì nhiều cả, chỉ cần có mặt với tất cả sự vững chãi và thảnh thơi cũng đem lại bình an, bớt đi lo sợ cho rất nhiều người.

Một nỗi lo sợ to lớn khác luôn ám ảnh đời người là sợ mất: mất người thân, mất tiền của, mất danh tiếng, mất địa vị, mất niềm tin, mất sức khỏe, mất nhan sắc, mất nhiều thứ, mất tất cả… Không lo sợ sao được khi không bỗng chốc trắng tay (điều mà không ai có thể lường trước được). Thế nhưng đây lại là một sự thật hiển nhiên, khi sanh ra với hai bàn tay trắng rồi cuối cùng ra đi cũng trắng cả đôi tay, mà không mấy ai bình tâm để nhận ra và chấp nhận. Xét cho cùng thì ta đã được cái gì đích thực đâu mà lo sợ bị mất. Được và mất nương tựa vào nhau mà giả lập nên như bao nhiêu cặp phạm trù tương đãi có-không, đến-đi, sinh-diệt… Vì thấy được nên mới thấy mất, còn chưa từng được thì có mất bao giờ. Trong dòng luân chuyển vô cùng tận ấy, sự biến dịch, thay đổi, vô thường mới chính là lẽ thường. Vậy thì vì sao phải lo sợ hão huyền về lẽ thật vốn chưa từng được-mất? Tự chúng ta có thể chiêm nghiệm và ngộ ra điều này hay Bồ tát hoặc những người khác cũng đều có thể soi sáng cho chúng ta để quẳng gánh lo sợ đi mà vui sống.

Quan trọng hơn là ngay cả thân tâm này cũng giả huyễn, nói chi những vật ngoài thân. Tấm thân năm uẩn này do duyên sanh thì đích thực là giả có và hư huyễn rồi. Hiểu được đạo lý duyên sanh rồi thì tùy duyên tiếp vật, sống hoan hỷ, an lạc và thảnh thơi, không hề lo sợ bất cứ điều gì. Ở đây, hiến tặng năng lực không sợ hãi thông qua việc tự thân tiếp nhận và phát huy tuệ giác, dẹp tan tăm tối của nghiệp chướng vô minh, nhận ra lẽ thật của cuộc đời để sống bình an và thanh thản.

Đức Bồ tát Quán Thế Âm luôn vận dụng các phương tiện thiện xảo để hiến tặng sự bình an cho hết thảy chúng sanh. Học theo hạnh Ngài, mỗi chúng ta cũng tự trang bị cho chính mình tình yêu thương và tuệ giác lớn để vui sống, không âu lo và giúp người luôn bình an, không sợ hãi.


LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

BÀI THUỐC KỲ DIỆU TỪ RAU SAM - TỐNG HẾT SỎI THẬN KHÔNG CẦN MỔ

Rau sam là một loại thân thảo mọc hoang ở những vùng ẩm mát như bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu.

Rau sam có tên là khoa học: Portulaca Oleracea L. thuộc họ Rau sam Portulacea.

Thân cao khoảng 10 – 30cm, gồm nhiều cành nhẵn, màu đỏ nhạt, mọc bò lan trên mặt đất. Lá hình bầu dục, phần đáy lá hơi nhọn, không cuống, phiến lá dày, mặt láng. Hoa màu vàng. Hạt nhỏ màu đen.
Ở nông thôn, người dân thường nhổ về luộc hoặc nấu canh, xào ăn như những loại rau khác. Rau sam phơi khô làm thuốc thường được thu hái vào mùa hè và mùa thu.
Theo Đông y, rau sam có vị chua tính lạnh, không có độc tính, vào ba kinh Tâm, Can và Đại trường, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu viêm, nhuận trường lợi tiểu, thường được dùng trong các chứng viêm nhiễm, lở ngứa, kiết lỵ.
Gần đây, các nhà khoa học còn cho biết, trong rau sam có nhiều acid béo Omega-3 có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể. Rau sam là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong các chứng viêm nhiễm đường ruột và đường sinh dục, tiết niệu, viêm cầu thận, viêm bàng quang, đường niệu đạo với liều khoảng 500g rau tươi một ngày.


Sau đây là những tác dụng chữa bệnh của rau sam:
- Giun kim: Rau sam 1 nắm lớn sắc với 2 bát nước còn 1 bát, uống lúc đói.
- Sán xơ mít nhỏ: Rau sam 1 nắm, nấu lấy 1 bát nước, hoà thêm giấm uống lúc đói, ăn cả xác.
- Đại tiện ra máu tươi: Lá rau sam , lá đậu ván . Giã nát, vắt lấy nước cốt uống trong ngày.
- Lỵ ra máu mủ: Rau sam , cỏ sữa . Dùng nước sắc uống. Nếu đại tiện ra máu nhiều thì thêm: Rau má , cỏ nhọ nồi . Dùng 4 – 5 ngày.
- Đái ra máu: Rau sam nấu canh ăn liên tục 3 – 7 ngày là khỏi.
- Trẻ bị nổi mẩn đỏ quanh rốn, thân nóng : Rau sam rửa sạch, giã sống, vắt nước cốt cho uống, bã thì xoa đắp.
- Trẻ em chốc đầu: Giã nát rau sam tươi, thêm nước sắc đặc bôi lên hoặc đốt ra than, hoà với dầu dừa bôi.
- Lậu đái buốt: Rau sam rửa sạch, vắt lấy nước uống.
- Đi lỵ ra máu, bụng đau, tiểu tiện bí: Rau sam rửa sạch, giã nát, vắt nước cốt, thêm mật uống.
- Mụn nhọt: Rau sam tươi, giã nhỏ đắp lên mụn nhọt, ngòi mụn dễ ra.
- Chữa sỏi thận: Uống nước nấu lá sam và cố nhịn tiểu đến khi không nhịn được nữa hãy đi. Khi đó, các hạt sỏi sẽ bị tống hết ra ngoài.
- Chữa xơ vữa động mạch, làm hạ độ cholesterol trong máu: Rau sam tươi và gừng sống 3 lát. Luộc hoặc nấu canh ăn hàng ngày. Ăn cả nước lẫn xác. Nên mỗi đợt từ 5 đến 7 ngày.
- Chữa khí hư, bạch đới ở phụ nữ: Rau sam tươi giã nát vắt lấy nước, hoà với 2 lòng trắng trứng gà, khuấy đều, hấp chín. Mỗi ngày ăn 2 lần, ăn từ 3-5 ngày.
Ngoài ra, với những bệnh như ung thư, đái đường, viêm gan, viêm túi mật, viêm thận, cao huyết áp… uống nước rau sam sẽ có hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, đối với những người bị tỳ vị hư hàn, tiêu chảy, và phụ nữ có thai không nên dùng rau sam.

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

NHỮNG ĐỊA HÌNH AN TÁNG ĐÁNG SỢ THEO LÝ LUẬN PHONG THỦY

Những địa hình đáng sợ là một trong 10 bí quyết của Cửu Ca, là những địa hình đại kị trong việc an táng gồm:

Hình minh họa.

1. Long sợ hung ngang: Long mạch sợ hung hãn, ngang ngược.

2. Huyệt sợ khô hàn: Huyệt mộ sợ nhất u ám, khô lạnh.
3. Sa sợ phản bối: Gò xung quanh mộ quay lưng về phía mộ.
4. Thủy sợ phản khiêu: Nước chảy quanh lưng vào mộ, hay còn gọi là “kim thành phản cung”.
5. Huyệt sợ gió thổi: Huyệt mộ không có gò núi che chắn.
6. Núi sợ khô phá: Núi khô cằn, vỡ, lõm.
7. Thủy sợ khiên ngưu trực xạ: Dòng nước chảy xối xả thẳng vào huyệt.
8. Sa sợ tống thủy định soán: Gò xung quanh kỵ, nước chảy đi không về.
9. Thủy sợ chảy xiết: Nước phải chảy chậm, không được chảy xiết làm hỏng huyệt mộ.
10. Đối sơn sợ ưỡn ngực: Án Sơn, Triều Sơn không hướng về huyệt mộ.
11. Long Hổ sợ áp huyệt: gò Thanh long, gò Bạch Hổ quá lớn sẽ át gò huyệt.
12. Đường sợ phản tà: Minh đường không được méo, lệch, nghiêng.
13. Trước sợ giếng khô, sau sợ nhà hoang.
14. Huyệt sợ u ám.
15. Núi sợ Bát sát: Núi kỵ nằm ở phương sát khí trong Bát Quái.
16. Thủy sợ Bát sát: Dòng nước thì kỵ ở phương sát khí trong Bát Quái.
17. Núi sợ tọa Ngũ Quỷ: Núi sợ ở phương ngũ quỷ trong Bát Quái.
18. Thủy cục sợ Hoàng Tuyền: Dòng nước kỵ ở phương sát khí.
19. Long Hổ sợ đoạn yêu: Gò Thanh Long, gò Bạch Hổ vẹo lưng.
20. Minh đường sợ hoang dã, huyệt tiền sợ đọa thai: Kỵ đất bỏ hoang trước mộ, và gò đất trước mộ bị lõm khuyết.
21. Lai long sợ thừa sát; cao sợ thương thổ ngưu; thấp sợ thoát khí mạch: Long mạch (mạch khí) từ xa tới sợ gặp phương vị sát khí ở huyệt mộ; chạy trên cao sợ làm hỏng huyệt mộ; chạy thấp sẽ thoát khí.
22. Mạch sợ lộ thai, gió sợ bạt đỉnh: Long mạch sợ gò đất lõm khuyết (lộ thai), gió to sẽ làm đất đỉnh mộ sụt lở, tan rã nên kỵ gió.
23. Thủy sợ lâm đầu, thủy sợ cắt chân: Dòng nước kỵ xối vào đầu mộ, chảy vào đuôi mộ.
24. Huyệt mộ sợ thừa phong, Long sợ Hổ áp: Huyệt mộ kỵ gió thốc, gò Thanh Long kỵ gò Bạch Hổ vươn dài lấn át.
25. Long sợ khởi lãng, Hổ sợ soán đường: Kỵ gò Thanh Long uốn lượn, kỵ gò Bạch Hổ xâm phạm minh đường.
26. La bàn sợ song kim, lập huyệt thừa khí sợ Hỏa khanh: Sử dụng la bàn sợ mệnh của mình và người âm (người trong mộ) mộ kết đều là mệnh Kim, tượng hung; tướng mộ xung khắc 12 con giáp trong ngũ hành.

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

CÔNG DỤNG CHỮA BỆNH KHÔNG NGỜ CỦA CỦ HÀNH

Hành theo nghiên cứu được ghi chép lại được sử dụng từ những năm trước công nguyên, được coi là thực phẩm có tính kháng viêm cao. Hành lại chứa rất giàu vitamin A, B, C và là một nguồn tiềm năng của acid folic, canxi, phốt pho, magiê, crom, sắt và chất xơ.

1. Ngăn chảy máu mũi: Thân nhiệt tăng quá cao đôi khi có thể gây chảy máu mũi. Lúc này, bạn cần nhỏ 3-4 giọt nước củ hành vào mũi. Hành củ có tác dụng làm máu ngừng chảy.

2. Giảm cholesterone: Chất sắt có trong hành tây chính là lý do tại sao hành tây được cho là rất tốt trong việc điều trị thiếu máu.

3. Trị bệnh lao: Nước ép hành củ sống từ lâu được xem là liệu pháp chữa vi trùng lao. Bạn có thể uống nước ép củ hành để phòng ngừa bệnh lao.

4. Chống đông máu: Chỉ cần mỗi ngày ăn nửa củ hành thôi là bạn đã có thể tự giảm đáng kể lượng cholesterone cho mình và giúp bản thân ngăn ngừa những cơn đau tim.


5. Chống viêm: Các chất chống viêm trong hành rất có ích trong việc giảm các triệu chứng của tình trạng viêm, đặc biệt là viêm khớp và bệnh gút.

6. Chống nhiễm khuẩn: Hành có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E.coli và Salmonella. Ngoài ra, nó còn có hiệu quả chống lại bệnh lao và nhiễm trùng đường tiểu, chẳng hạn như viêm bàng quang.

7. Trị mụn: Thoa nước ép hành củ trộn với nước cốt chanh lên mụn. Hợp chất lưu huỳnh tự nhiên và đặc tính chống viêm của hành sẽ giúp trị mụn trứng cá.

8. Hạ huyết áp: Dù bạn ăn sống hoặc nấu chín, hành tây cũng giúp bạn hạ huyết áp một cách tự nhiên. Nó cũng làm loãng máu, hòa tan cục máu đông và lọc máu khỏi các chất béo không lành mạnh.

9. Phòng chống ung thư ruột kết: Fructo-oligosaccharides trong hành kích thích sự tăng trưởng của vi khuẩn có lợi trong ruột kết và giúp giảm nguy cơ phát triển khối u ở ruột kết.

10. Táo bón và đầy hơi: Ăn nhiều hành tây sẽ giúp giảm táo bón mãn tính và đầy hơi.

11. Cải thiện tình trạng tiểu đường: Chromium trong hành tây giúp các tế bào trong cơ thể của bệnh nhân tiểu đường có phản ứng thích hợp để làm giảm mức độ insulin và cải thiện lượng đường glucose hấp thụ vào cơ thể.

12. Lợi tiểu và làm sạch máu: Hành có tác dụng giữ nước để tránh sỏi tiết niệu, viêm khớp và bệnh gút.

13. Chữa ù tai: Trong một số nền văn hóa, người ta nhúng bông vào nước ép hành và chấm vào tai để chống lại sự ù tai.


14. Rụng tóc: Một nghiên cứu còn cho thấy việc bôi nước ép hành tây trên da đầu hai lần một tuần trong 2 tháng làm tăng khả năng mọc tóc.

15. Tăng cường miễn dịch: Vị hăng của hành làm tăng lưu thông máu và sự tiết mồ hôi. Đặc biệt trong thời tiết lạnh, hành có tác dụng tránh nhiễm trùng, giảm sốt và đổ mồ hôi ra cảm lạnh và cúm rất tốt.

16. Ngăn ngừa loãng xương: Trong hành có chứa một hợp chất có thể ngăn ngừa các hoạt động phá vỡ xương. Đặc biệt nó có lợi cho những phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương khi họ đi qua thời kỳ mãn kinh.

17. Hỗ trợ hệ hô hấp: Mỗi ngày bạn nên uống 3-4 thìa cà phê hỗn hợp nước ép hành và mật ong để làm tiêu đờm và ngăn chặn sự tạo đờm trong cơ thể. Hỗn hợp này cũng là vị thuốc để chống lại bệnh cảm lạnh thông thường.

18. Tăng cường ham muốn tình dục: Hành là một chất kích thích tình dục mạnh, chỉ đứng thứ hai sau tỏi.

19. Giảm nhiễm trùng đường tiết niệu: Đun sôi hành trong nước cho đến khi nước bốc hơi. Lọc lấy nước củ hành, để nguội và uống. Các đặc tính chống vi khuẩn của hành sẽ giúp làm giảm các cảm giác nóng khi tiểu tiện.

20. Chữa vàng da: Đây là một trong những biện pháp trị vàng da truyền thống. Chỉ cần ngâm hành củ cùng nước chanh qua đêm. Sáng hôm sau, uống loại nước này có hòa thêm ít muối tiêu.

21. Điều hòa kinh nguyệt: Uống nước ép củ hành hòa với đường thốt nốt giúp chị em phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn.

22. Chữa bỏng: Bị các vết bỏng nhẹ, bạn cần tìm ngay củ hành. Nước ép củ hành giúp làm mát vết bỏng, chống giộp da và ngăn chặn các vùng da bị bỏng mưng mủ nhiễm trùng.

23. Giảm sỏi thận: Nước ép hành ấm hòa với đường giúp làm tan hoặc làm giảm kích cỡ các viên sỏi thận.

Mặc dù hành có nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng chỉ nên dùng ở mức vừa phải.


LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

THẨM TRÚC NHƯNG VÀ PHÁI PHONG THỦY HUYỀN KHÔNG

Họ Thẩm người Tiền Đường, tên Thiệu Huân hiệu Trúc Nhưng. Năm ông mười ba tuổi, Kim Tiền bang nổi loạn ở Triết Giang, thành Hàng Châu bị vây hãm. Gia đình ông toàn bộ bảy người tuẫn nạn, mẹ ông nhảy xuống giếng tự vẫn, từ đó gia phá nhân vong. Riêng họ Thẩm thì bị bọn phỉ bắt mang tới Tùng Giang. 

Sơn Nhâm hướng Bính, vận 1.

Năm sau tướng ngoại quốc Hoa Nhĩ đánh bại bọn phỉ cứu họ Thẩm ra, đồng thời nhận ông làm con nuôi. Về sau Hoa Nhĩ trong trận chiến ở Từ Khê, Chiết Giang bị trúng thương tử nạn sa trường, đích thân ông  an táng cho cha nuôi. Đến năm ông mười lăm tuổi, họ Đào là vợ Hoa Nhĩ cũng qua đời. Từ đó ông làm việc cho một viên tướng người Anh, chuyên giảng giải binh pháp, huấn luyện tân binh. 


Tới tuổi trung niên ông chuyển sang làm thương mại. Thẩm Trúc Nhưng trước sau có ba người vợ là họ Ngô, họ Tạ, họ Viên. Hai người vợ họ Ngô và họ Tạ mất sớm, còn họ Viên sinh được hai trai hai gái.

     Về phương diện phong thủy, từ nhỏ Thẩm Trúc Nhưng đã bái sư học thuật phong thủy với một vị lão sư, nhưng chỉ học được một ít lý luận sơ sài. Lớn lên ông càng say mê môn phong thủy, thường chu du khắp nơi để học hỏi với đồng đạo. Nhờ thiên tư thông tuệ, trước năm hai mươi tuổi, ông bỏ công nghiền ngẫm không biết bao nhiêu thư tịch về phong thủy.

     Lúc này Thẩm Trúc Nhưng đã kết giao được khá nhiều người tinh thông trong giới. Đáng tiếc một điều là, do lời của thầy ông nói rằng: “Phái Huyền Không không phải là chính phái, không đáng học”, nên đương thời ông xem phái Huyền Không như con thú dữ mà tránh xa. Lúc bấy giờ Tưởng Đại Hồng được tôn là đầu não của phái Huyền Không, vì vậy ông xem Tưởng Đại Hồng là đại địch.

      Đến năm Tân Mùi được hai mươi bốn tuổi, ông thay thế tổ tiên tìm được một địa huyệt “Sơn Nhâm Bính hướng”, hình thế sơn thủy rất hữu tình. Để hoàn thiện trình độ xem phong thủy của mình, Thẩm Trúc Nhưng đã tụ tập tổng cộng mười tám vị thầy địa lý các phái ở Giang Nam, chỉ trừ những người theo phái Tưởng Đại Hồng. Kết quả là mười tám vị thầy địa lý nọ đều công nhận đây là cuộc đất rất tốt.

      Không ngờ tin tức này đến tai một quan viên, ông ta cậy thế và dùng rất nhiều vàng để mua lại huyệt địa này, Thẩm Trúc Nhưng đành cam chịu.

      Cuối năm Tân Mùi, vị quan viên nọ táng cha mẹ ở huyệt địa. Không ngờ sau đó hai cha con quan viên nọ đều phạm án mà mất chức, bị biếm đi đày, giữa đường thì chết, rốt cuộc gia đình tan tác. Thẩm Trúc Nhưng sau khi biết sự việc này thì kinh hãi không thôi, ông cảm thấy bứt rứt và tự cho mình có lỗi, vì chính huyệt địa này do chính do ông tìm ra.

      Sau đó ông lại tụ tập các thầy địa lý để khảo sát cuộc đất thêm một lần nữa, nhưng rốt cuộc thì ý của các thầy địa lý nọ vẫn giống như trước đây, tức cho rằng cuộc đất này là cát địa, vả lại còn không phạm kị thần sát nào, mọi người đều không hiểu nổi vì sao lại dẫn đến chuyện gia đình quan viên nọ có kết quả bi thảm như vậy.

      Về sau có một lần, Thẩm Trúc Nhưng cùng với một người bà con bên vợ Hồ Bá An du lịch tới Hàng Châu tình cờ ông phát hiện trong rương hành lý của Hồ Bá An có cuốn “Bí Bản” của Khương Thổ (họ Khương là một trong những đệ tử của Tưởng Đại Hồng). Trong “Bí Bản” có ghi rằng: “ Sơn Nhâm hướng Bính, sơn Bính hướng Nhâm của vận 1 phạm vào phản ngâm, phục ngâm nếu táng huyệt này này họa đến lập tức” nhưng trong sách lại hoàn toàn không đề cập đến các vận khác. Thẩm Trúc Nhưng nhớ lại lúc vị quan viên táng bố mẹ đúng là ở vận 1, và lại còn đúng sơn Nhâm hướng Bính thuộc phản ngâm, phục ngâm. Thế là một lần nữa ông lại tụ tập ba mươi mốt vị thầy địa lý để nghiên cứu cuộc đất, nhưng thảy đều không hiểu, chỉ kết luận” Có lẽ do ngẫu nhiên mà thôi”.

      Lúc bấy giờ Thẩm Trúc Nhưng không còn dám khinh thường phái Huyền Không như trước, ông bèn tìm các sách do Tưởng Đại Hồng trứ tác hoặc chú giải để nghiền ngẫm nghiên cứu, đáng tiếc là vẫn không dò ra được đầu mối, đối với lý thuyết Huyền Không ông vẫn chẳng hiểu gì.

      Tới năm Đồng trị Qúy Dậu (tức năm 1873), Thẩm Trúc Nhưng đã hai mươi sáu tuổi, ông nghe đồn ở địa phương Vô Tích có một vị đại sư phong thủy rất nổi danh, tên là Chương Trọng Sơn, cùng thuộc phái Huyền Không, tương truyền sở học phong thủy của tiên sinh Chương Trọng Sơn rất cao siêu, một khi ông đã xem đất cho ai thì vận trình của con cháu họ đều được cải thiện.

      Vì vậy, Thẩm Trúc Nhưng bèn cùng Hồ Bá An tới đất Vô Tích hỏi thăm hậu duệ của Chương Trọng Sơn về lý thuyết phái Huyền Không (lúc bấy giờ họ Chương đã qua đời), nhưng hai người ở đất Vô Tích nhiều tháng trời mà con cháu của Chương Trọng Sơn vẫn không tiết lộ lời nào.

      Cuối cùng Thẩm Trúc Nhưng nghĩ ra một cách là dùng thật nhiều vàng bạc để mượn cuốn “ Trạch đoán” (tức cuốn Âm Dương nhị trạch lục nghiệm) do Chương Trọng Sơn trứ tác chỉ trong vòng một ngày một đêm. Con cháu họ Chương thầm nghĩ trong thời gian ngắn như vậy thì không ai có thể hiểu nổi bí mật của phái Huyền Không, huống hồ sách “Trạch đoán” chỉ ghi chép những chứng nghiệm thực tế mà không viết những bí quyết bài bố tinh bàn, cho nên có chép hết cuốn sách cũng chẳng làm được gì, thế là họ cho mượn sách để lấy vàng.

      Mượn được sách, Thẩm Trúc Nhưng và Hồ Bá An suốt đêm không ngủ, nỗ lực chép hết cuốn “Trạch đoán” không sót một chữ. Sau khi họ rời Vô Tích, Thẩm Trúc Nhưng nghiên cứu không biết mệt mỏi, nhưng thật đáng tiếc, ngày cứ trôi qua mà ông vẫn không hiểu được gì. Thuật phong thy của Chương Trọng Sơn là thuộc phái Huyền Không Phi tinh, ThẩmTrúc Nhưng vốn không chút căn cơ , tự mình tự nghiên cứu quả rất khó khăn. Tuy vậy ông vẫn không nản lòng, cứ nghiên cứu tiếp.

       Một ngày nọ , Thẩm Trúc Nhưng đọc sách Dịch lý tới đoạn viết về hình đồ Lạc Thư, trong diễn giải về nguyên lý số 5 (Ngũ) nhập trung cung, ông hốt nhiên thông suốt, hiểu ra quỹ tích của Tinh bàn Huyền Không Phi tinh là do Lạc Thư mà ra. Sau đó ông lại học rất nhiều sách diễn giải Dịch học, đối với ông lúc này sở học của Chương Trọng Sơn đã không còn là điều bí ẩn. Sau đó ông mang cuốn “Trạch đoán” ra chú giải lại.

      Thường ngày Thẩm Trúc Nhưng rất oán tiên sinh Tưởng Đại Hồng, vì họ Tưởng được Vô Cực Tử chân truyền môn Huyền Không, nhưng tiên sinh chấp trước câu “Thiên cơ bất khả tiết lộ” nên chỉ bí mật truyền thụ cho một số ít đệ tử, đồng thời cấm đệ tử của mình phổ biến rộng rãi bí quyết này. Vì nguyên do đó, Thẩm Trúc Nhưng tự mình tìm ra bí mật này, ông đã trứ tác và truyền bá rộng rãi sở học phong thủy của mình cho mọi người. Người theo học ông khá đông. Trong số đệ tử có con của ông là Tổ Miên ( tự là Điệt Dân), Giang Chí Y, Hồ Bá An đã tham gia chỉnh lý di cảo của ông thành bộ “Thẩm thị Huyền Không học”.


LƯỢNG THIÊN XÍCH
Trích từ Thẩm Thị Huyền Không Học

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

ĐỊA HỘ TRONG PHONG THỦY

"Địa hộ" hay còn gọi là “ngũ hộ”, “địa trục”, “hạ thủ”, “hạ sa”, “hạ quan”, “hạ miệt”; chỉ chỗ dòng nước chảy đi.


Hình minh họa.

Sách Địa lý nhân tử nên biết viết: “Địa hộ còn gọi là ngũ hộ”, nên đóng chặt. Bên phải bên trái huyệt không cần phải hỏi đâu là tay Long, đâu là tay Hổ, chỉ cần thấy chỗ nước chảy đi, chảy ra đều gọi là Địa hộ. Địa hộ nên có nhiều núi, trùng điệp khiến nước chảy chậm mới gọi là cát”.
Các nhà phong thủy học cho rằng, địa hộ đóng chặt là tượng của chân long kết huyệt. Nên biết rằng chi long không có thượng sa (Thanh Long và các núi bên trái), can long không có hạ sa (Bạch Hổ và các núi bên phải) đều hung.
Hình thái bên ngoài của hơi nước sinh khí là dòng nước. Dòng nước phải có hạ sa bao bọc, đóng kín, có hãn môn, cột đá phòng ngự, có la tinh, diệu khí che chắn, có kiếm tích, tinh kỳ, xe ngựa, sư tử, loan phượng tập trung chặn giữ dòng nước. Như vậy, sinh khí sẽ tụ, không tản, đó là cát địa. Nếu quan sa thưa thớt, nước chảy ào ào thì  không cần tìm huyệt ở chỗ đó.
Hơi nước cũng là tượng trưng của tài khí. Địa hộ dày đặc quan sa, tiền của không hao tổn. Chỗ dòng nước chảy là địa hộ đóng kín. Thủy quản tài, thiên môn mở thì tiền đến, địa hộ đóng thì tiền còn. Nếu không có quan sa, ải ngăn, dòng nước chảy thẳng đi là tượng tài tan nhân vong. Sợ nhất thủy khẩu nước chảy ào ào thẳng về phía trước.

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

BỐ TRÍ NHÀ VỆ SINH DƯỚI GẦM CẦU THANG

Hỏi: 

Vợ chồng tôi muốn làm nhà vệ sinh tầng 1 ở dưới gầm cầu thang để không gian phòng khách và bếp trải rộng.

Liệu thiết kế như vậy có phạm phong thủy không?
Xin tòa soạn tư vấn về phong thủy cho gia đình tôi.

Trả lời:
Chúng tôi xin giải đáp những băn khoăn của gia đình về phong thủy nhà vệ sinh như sau:
Theo nguyên tắc toạ hung thì khu vệ sinh nên đặt vào các hướng xấu, các hướng bất lợi về khí hậu và phối hợp được ngũ hành, âm dương. Cụ thể, hướng Bắc thuộc hành Thuỷ, hướng Tây và Tây Bắc thuộc hành Kim, do Kim sinh Thuỷ nên những hướng này phù hợp đặt khu vệ sinh. Về mặt khí hậu, các hướng này có nhiều nắng gắt và ở cuối hướng gió nên phòng tắm đặt tại đây sẽ vừa giúp đón được bức xạ nhiệt giúp luôn khô ráo và sạch sẽ.
Thông thường, đối với nhà cao tầng, KTS thường đặt vệ sinh ở vị trí gầm cầu thang dưới tầng 1 làm khu vực vệ sinh phụ, vị trí này kín đáo lại tiết kiệm được diện tích sử dụng cho ngôi nhà.
Gầm cầu thang có tính chất Âm nhiều hơn Dương nên có thể làm phòng vệ sinh nhỏ, kho chứa đồ. Nếu làm vệ sinh, cần lưu ý căn cứ theo phân vị các vùng Cát Hung của nhà, vì khu vệ sinh là thuộc dạng Trường Khí Hung nên cần đặt trong vùng Hung, không đúng phương vị thì không nên làm mà chỉ bố trí kho hoặc tủ đồ nhỏ.
Mong bạn và gia đình có được sự lựa chọn tốt nhất từ những gợi ý của chúng tôi!

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

KINH MẠN-THÙ-THẤT-LỢI CHÚ TẠNG TRUNG GIẢO LƯỢNG SỔ CHÂU CÔNG ĐỨC



Bấy giờ pháp vương tử bồ-tát mạn-thù-thất-lợi ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh trang y phục, để lộ vai phải, chắp tay cung kính thưa phật:
- bạch thế tôn! Hôm nay vì muốn làm lợi ích cho tất cả hữu tình, nên con sẽ nói về công đức thụ trì tràng hạt, đồng thời so sánh tính lường phúc phần lợi ích khác nhau của việc này. Cúi xin thế tôn thương xót cho phép!

Đức phật dạy:
-      này mạn-thù thất lợi! Quí thay, quí thay! Ta cho phép ông nói!
Được phật cho phép, mạn-thù-thất-lợi liền nói:
-      nếu thiện nam tín nữ nào tụng niệm các đà-la-ni và danh hiệu phật, vì muốn lợi ích cho mình cho người mà mau thành tựu và chứng nghiệm thì phải chuyên tâm thụ trì pháp lần tràng hạt như vậy. Nhưng vì chất liệu của tràng hạt có nhiều loại, nên công đức thụ trì cũng khác nhau.
Nếu có người dùng sắt làm tràng hạt, thì tụng và lần một biến sẽ được phúc gấp năm lần. 
Nếu dùng đồng đỏ làm tràng hạt, thì tụng và lần một biến sẽ được phúc gấp mười lần. 
Nếu dùng các báu vật như trân châu, san hô v.v… làm tràng hạt, thì tụng và lần một biến sẽ được phúc gấp trăm lần. 
Nếu dùng hạt của cây mộc hoạn làm tràng hạt, thì tụng và lần một biến sẽ được phúc gấp nghìn lần. 
Nếu dùng hạt sen làm tràng hạt, lần tụng một biến sẽ được phúc gấp vạn lần. 
Nếu dùng nhân-đà-la-khư-xoa làm tràng hạt, thì tụng và lần một biến sẽ được phúc gấp trăm vạn lần. 
Nếu dùng ô-lô-đà-la-khư-xoa làm tràng hạt, thì lần và tụng một biến sẽ được phúc gấp trăm ức lần. 
Nếu dùng thủy tinh làm tràng hạt, thì lần và tụng một biến được phúc gấp nghìn ức lần. 
Nếu dùng hạt bồ-đề làm tràng hạt để lần hay đeo tay, thì lần và tụng một biến kinh chú sẽ được vô lượng phúc, không thể tính toán và khó có thể so sánh suy lường. 
Nếu ai mong cầu được về cõi tịnh của phật a-di-đà thì phải y theo pháp mà thụ trì tràng hạt này.
Bồ-tát mạn-thù-thất-lợi nói tiếp:
-       nếu có người cầm tràng hạt bồ-đề này, nếu không như pháp tụng niệm danh hiệu phật và đà-la-ni, chỉ mang theo bên mình, thì khi đi, đứng, ngồi, nằm dù nói ra lời thiện hoặc lời ác cũng đều được công đức giống như người tụng chú và trì niệm danh hiệu phật, có được vô lượng phúc
Tràng hạt ấy cần phải đủ một trăm lẻ tám hạt. Nếu khó kiếm đủ số ấy thì năm mươi bốn, hoặc hai mươi bảy hay ít nhất là mười bốn hạt cũng được. Đó là công đức khác nhau của tràng hạt, nhưng vì nhân duyên gì mà hôm nay ta chỉ khen ngợi những ai dùng chuỗi hạt bồ-đề mới được lợi ích lớn nhất!
Bồ-tát mạn-thù-thất-lợi lại nói:
-      vì vào thời quá khứ có đức phật xuất hiện ở thế gian, ngồi bên gốc cây này thành chính giác. Bấy giờ có một ngoại đạo tà kiến hay hủy báng tam bảo. Con trai của ngoại đạo này bị phi nhân đánh chết. Ngoại đạo nghĩ: “ta mang tâm tà kiến, không biết chư phật có sức thần lực như thế nào mà nay ngồi nơi gốc cây này thành tựu chính đẳng chính giác. Nếu đó là cây thánh thì nhất định sẽ có cảm. Nghĩ xong, ông ta liền đặt đứa con đã chết nằm bên gốc cây bồ-đề và nói: “phật thụ nếu là cây thánh, thì nhất định con ta cũng sẽ sống lại!”. 
Rồi suốt bảy ngày, nhờ ông trì niệm danh hiệu phật nên người con sống lại. Ngoại đạo rất vui mừng, ca ngợi chư phật có sức đại thần thông. Ngoại đạo nói: “ta chưa từng thấy cây phật thành đạo hiển hiện những việc hi hữu này. Đúng là oai đức rất lớn, không thể nghĩ bàn!”. Các ngoại đạo khác nghe việc này, liền phát tâm bồ-đề bỏ tà qui chính, tin thần lực của phật không thể nghĩ bàn. Do nhân duyên này mà mọi người đều gọi cây này là cây diên mạng. Từ đó cây này có hai tên: bồ-đề thụ và diên mạng thụ
Bồ-tát mạn-thù-thất-lợi nói xong, đức phật liền dạy:
-      hay thay, hay thay! Này mạn-thù-thất-lợi, đúng như lời ông đã nói!
Đại chúng nghe nói kinh trì châu công đức xong, tất cả đều vui mừng tin nhận và cung kính làm theo.

Hán dịch: Tam tạng sa-môn Thích Nghĩa Tịnh.
Việt dịch: Tì-kheo-ni Tịnh Hiền
LƯỢNG THIÊN XÍCH. St