Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

PHÁ SẢN DO GẶP LƯU NIÊN SÁT KHÍ CHIẾU ĐẾN HƯỚNG

Phong thủy của một ngôi nhà, dù đang trong vận trình tốt đẹp cũng có những năm gia đạo bất an, tài chính sa sút, sức khỏe yếu kém. Đây là do yếu tố sát khí của Thái tuế năm đó chiếu đến hướng nhà mà thuật ngữ Phong thủy gọi đó là Thần sát lưu niên.

Học thuyết phong thủy đặc biệt coi trọng đến Thái tuế, Tuế phá, Ngũ hoàng, Tam sát và Nhị hắc. Đây là những Thần sát rất mạnh, tùy từng năm sẽ chiếu đến những phương vị khác nhau, nếu nhà nào bị những Thần sát này chiếu đến thì gia đạo dẫu có đang hưng vượng cũng gặp phải tình trạng suy vi.

Dưới đây là ví dụ. Một ngôi nhà tọa lạc tại quận Phú Nhuận - TP HCM, nhập trạch năm Mậu tý 2008, tọa Thìn hướng Tuất (Hướng tây bắc), kiêm Tốn - Càn 5 độ, vận 8 diễn số như sau:


Nhà này được cục thế Tam ban quái, vượng khí đều chiếu đến sơn và hướng nên tài lộc và nhân đinh đại phát.

Ở hướng có Văn Xương tinh chiếu đến nên không những tài chính thịnh vượng, công việc tiến triển mà văn chương, học nghiệp cũng rất tốt đẹp, Đặc biệt phát trong các năm 2009, 2010 và 2011, bởi những năm đó đều có khí sinh vượng chiếu đến hướng nhà, Vượng khí trùng lai nên gia đạo trong những năm đó hưng vượng là điều đương nhiên.

Sau được chủ nhà phản hồi, nói đúng là từ khi chuyển qua nhà này thấy tài chính rất thuận lợi, không những trả hết được một khoản nợ lớn mà tiền bạc trong nhà cũng vẫn dư dả, các con học hành cũng tiến bộ hơn trước.

Thừa thế thành công, đến năm Nhâm thìn 2012, chủ nhà đầu tư vào bất động sản và mua thêm xe để kinh doanh vận tải, không ngờ từ đó đi xuống, tài sản cũng dần hao tán. Vậy vì lý do gì mà đang thành công bỗng nhiên thất bại như vậy? Đó đều là do Sát khí của Thái tuế mà ra cả, cụ thể như sau:

- Năm Nhâm thìn 2012 hướng nhà bị Tuế phá chiếu đến, âm khí tích tụ trước hướng nhà làm gia đạo suy vi.

- Năm Quý tị 2013 cũng bị ảnh hưởng bởi Tuế phá, vì sát khí này vẫn chiếu đến hướng tây bắc.

- Năm Giáp ngọ 2014 sát khí Ngũ hoàng chiếu đến hướng nhà. Đây là sao cực độc trong phong thủy, bị nó chiếu đến hướng nhà thì tài sản hao tán, tai nạn hoặc bệnh dịch hại đến thân.

Sau chủ nhà đều xác nhận các mốc thời gia trên là đúng với thực tế ứng nghiệm, Năm 2014 còn xảy ra một việc liên quan, người giúp việc của gia đình sơ ý bị ngã gãy tay, nửa năm sau mới hồi phục và quay lại làm.

Qua nghiệm chứng thực tế này có thể thấy tầm ảnh hưởng rất to lớn mà các sát khí của Thái tuế đưa đến. Bất luận gia đình đó đang trong vận trình tốt đẹp, đến năm có sát khí chiếu đến mà không hóa giải kịp thời thì vẫn gặp hạn như thường.


LƯỢNG THIÊN XÍCH.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

PHONG THỦY XẤU DẪN ĐẾN PHÁT SINH BỆNH NAN Y

Trong lý luận Phong thủy, tọa sơn của căn nhà được xem là yếu tố quyết định đến sức khỏe và sự quần tụ của các thành viên trong gia đình, vì vậy tọa sơn phải vững chãi, có khí sinh vượng chiếu tới thì nhân đinh mới quần tụ, sức khỏe mới tốt đẹp, bệnh tật được tiêu trừ. Ngược lại, nếu tọa sơn của căn nhà bị khuyết hãm, thấp trũng và không có khí sinh vượng chiếu đến thì nhân khẩu thất tán, sức khỏe sa sút và dễ phát sinh các bệnh khó chữa.

Trường hợp dưới đây là một ví dụ. Nhà chị H tọa lạc tại một khu tập thể tại quận Hà Đông - Hà Nội, xây dựng trong vận 7 nhưng đầu vận 8 cải tạo lại. Căn nhà có kiến trúc hình ống, tọa Thân hướng Dần, kiêm hướng 3 độ, diễn số phong thủy trong vận 8 như sau:

Nhà này có thế cục Hỏa khanh, vượng khí đều không chiếu đến sơn và hướng nên tài chính và nhân đinh đại bại, đặc biệt là về nhân đinh, bởi tọa sơn của căn nhà có sát khí hội về. Sơ đồ bố trí nội thất của nhà này như sau:

Tầng một.
Tầng một bố trí phòng khách và phòng bếp. Bếp được đặt tại hướng tây nam so với tâm nhà, nơi có sát khí chiếu đến, lại quay về hướng tây bắc, nơi có bệnh tinh chiếu đến nên càng làm cho sức khỏe sa sút, bệnh tật trầm trọng. đặc biệt là các bệnh liên quan đến mắt và tim mạch. 

Trung cung có sao Nhất bạch bị vây khắc bởi hai sao Bát bạch và Ngũ hoàng. Nhất bạch là thủy khí của quẻ Khảm, ứng với trung nam. Bị vây khắc thì trung nam trong gia đình bất lợi, các bệnh liên quan đến máu, tai, thận khởi phát.

Tầng hai được bố trí phòng ngủ.

Tầng hai.
Phòng ngủ trước của vợ chồng chủ nhà, tại cung đông bắc, có đinh khí chiếu đến nên người ngủ tại đây sức khỏe được đảm bảo. Phòng phía sau làm phòng ngủ phụ. Đây cũng là phòng kém nhất về sức khỏe vì sát khí tập trung tại đây.

Tầng ba có phòng thờ và phòng ngủ của vợ chồng người con.

Tầng ba.
Bàn thờ đặt quay cùng với hướng nhà, hấp thu suy khí nên không giúp cho phúc khí của gia đình thịnh vượng.

Phòng ngủ của vợ chồng người con cũng rất bất lợi về sức khỏe vì sát khí tập trung tại đây.

Thực tế thì gia đạo nhà này diễn ra đúng với lý khí Phong thủy. Tài chính làm được bao nhiêu lại tiêu hết bấy nhiêu mà không có sự tích tụ. Sức khỏe của các thành viên trong gia đình tương đối kém, đặc biệt là người con trai đang ở độ tuổi trung niên bị phát bệnh khó chữa. Một đoạn mạch máu trên đầu anh ta bị phình to, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nếu như bị vỡ. Hiện bệnh viện không có cách chữa trị và đã trả bệnh nhân về. 

Dẫn đến tình trạng trên, trước tiên là do vận khí phong thủy nhà này không tốt, kế đến là sát khí được sinh vượng do đặt bếp sai, và do ngủ tại phòng có sát khí chiếu tới. Sự khắc thương thủy khí của sao Nhất bạch tại cung trung cũng quyết định đến sự ứng nghiệm đến người trung nam trong nhà. Vì vậy có thể nói sự tương tác của phong thủy với đời sống con người rất to lớn. Phúc hay họa cũng từ đấy mà ra.


LƯỢNG THIÊN XÍCH

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ CỦA NGƯỜI VIỆT

Hàng năm, cứ đến mồng 5 tháng 5 (âm lịch), dân ta lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ. Về nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ, đến nay nhiều người vẫn cho rằng có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, căn cứ vào một số công trình nghiên cứu văn hóa cho thấy, Tết Đoan Ngọ của người Việt hiện nay lại có một nguồn gốc hoàn toàn khác…

Bánh ú nước tro là món bánh truyền trống của người miền Nam trong ngày Tết Đoan Ngọ. Những thứ bánh làm từ gạo chỉ có ở những khu vực có nền văn minh lúa nước.
Tết Đoan Ngọ là để tưởng nhớ Khuất Nguyên? 

Theo giải thích của học giả Chu Xử trong sách “Phong Thổ Ký” thì Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương; Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Ở Trung Quốc, thời Nam Bắc triều, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Dục Lan tiết. Lan có nghĩa là “túi đựng tên, hình dáng của nó như cái hộp gỗ” (Tr.2881, Từ Nguyên).

Đến thời nhà Minh, bùa trừ ngũ độc (Ngũ độc phù) đã trở thành vật trang sức khá phổ biến của phụ nữ, được in trên một số vật như trâm cài tóc, vòng đeo tay, đeo cổ, quạt… Một học giả thời bấy giờ là Trầm Bảng chép: “Thời trước, phụ nữ thường vẽ hình con rết (Ngô công), rắn (Xà), bò cạp (Hiết), cọp (Hổ), cóc (Thiềm thừ) trên những cây gỗ đào gọi là ngũ độc phù và cài trên đầu làm trâm (Thoa)…” (Trích Uyển Thự Tạp ký, quyển 17, bản in năm 1593).

Hiện nay, quan niệm phổ biến cho rằng nguồn gốc Tết Đoan Ngọ của người Việt có xuất xứ từ Trung Quốc. Quan niệm này gắn liền với một nhân vật trong lịch sử Trung Quốc đó là Khuất Nguyên.

Khuất Nguyên, tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.

Đến cuối đời, ông lại bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú “Hoài Sa” rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.

Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 là ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á.

Sau này, Tết Đoan Ngọ còn được gắn thêm một tích khác nữa là tích hai chàng Lưu – Nguyễn gặp tiên.

Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai người đời nhà Hán, nhân ngày Tết Đoan Dương cùng rủ nhau vào núi hái thuốc, gặp hai tiên nữ kết duyên. Sau thời gian nửa năm sống nơi tiên cảnh với vợ tiên, hai người nhớ nhà đòi về. Giữ lại không được, hai tiên nữ đành đưa tiễn chồng về quê cũ. Vì thời gian ở tiên cảnh chỉ có nửa năm nhưng là mấy trăm năm ở cõi trần. Hai chàng thấy phong cảnh quê nhà đã khác xưa, người quen thì đã ra người thiên cổ, hai chàng bèn rủ nhau trở lại cõi tiên nhưng không được. Hai chàng ra đi mà không thấy trở về…

Trên thực tế, từ cuối thời Đông Hán, người ta đã tìm thấy những thư tịch sưu tầm về Tết Đoan Ngọ. Hầu hết các học giả thời đó cho rằng nguồn gốc của lễ tiết này có “liên quan” đến sự tưởng niệm thi hào nổi tiếng của nước Sở là Khuất Nguyên. Tuy nhiên các sử gia Trung Quốc lúc bấy giờ không hề đưa ra được những tư liệu cụ thể để chứng minh cho “sự liên quan” này.

Ngay trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên (145 – 86 TCN), tác phẩm được coi là thành tựu sớm nhất, ghi chép đầy đủ nhất về lịch sử Trung Quốc cổ đại (suốt 2000 năm từ thời Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế), cũng hoàn toàn không xác định được rõ thời gian tự trầm của Khuất Nguyên là vào ngày, tháng nào. Những ghi chép của Tư Mã Thiên trong “Khuất Nguyên liệt truyện” (Sử ký) chỉ là những tư liệu được thu thập từ trong dân gian!

Vậy cơ sở nào để cho rằng Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch) là để tưởng nhớ Khuất Nguyên như một số người vẫn quan niệm hiện nay!?

Về nguồn gốc Tết Đoan Ngọ

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn: Tết Giết sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hoá phong phú. Không riêng gì Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan Ngọ. Từ đó cho thấy, Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Trong ca dao Việt Nam cũng có câu:

“Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”

Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là Tết Đoan Ngọ của người Việt có liên quan gì đến Tết Đoan Ngọ của người Trung Quốc và gắn với truyền thuyết Khuất Nguyên như lâu nay từng quan niệm? Tết Đoan Ngọ còn được người Việt gọi bằng cái tên khác là “Tết Nửa Năm” (cũng có nơi là gọi là Giữa Năm). Đây được xem là tên gọi của riêng người Việt, không lẫn với tên gọi của các quốc gia khác. Vậy tại sao lại gọi là Tết Nửa năm, trong khi theo tính toán như lịch âm hiện nay thì “nửa năm” ở đây phải rơi vào tháng 6 âm lịch?

Về tên gọi Tết Nửa năm, tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan Ngọ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”.

Về nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm khẳng định: Tết Đoan Ngọ Việt Nam có cùng một khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở Nam Trung Hoa (vào khoảng vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống) và Bắc Đông Dương.

Tác giả luận giải: Từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy phong tục tết Đoan ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP HCM, 2004).

Trong cuốn “Lễ tết Trung Hoa” của W. Eberhard (Chinese Festivals, N.Y. 1952) viết: “Đoan ngọ là tết của phương Nam, tết cầu may, tết của sự sống” (Double fifth is a Southern festival, lucky festival or festival of the living).

Tác giả Nghê Nông Thủy, thuộc Hội Dân tộc học Trung Quốc cũng thừa nhận: “Tết Đoan Ngọ là cống hiến to lớn của người Bách Việt đối với văn hóa Trung Hoa” (Hội Dân tộc học Trung Quốc, 2011).

Như vậy, có thể thấy, Tết Đoan Ngọ xưa là do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả và không ai làm tác giả cụ thể. Nó là thành quả từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam của các bộ tộc Bách Việt. Về sau, cùng với việc xâm lấn và mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam sông Dương Tử, Tết Đoan Ngọ được người Hán tiếp nhận và hưởng ứng. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác nhau lại gắn vào nhiều điển tích khác nhau với các nhân vật như Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, Khuất Nguyên đến Tào Nga, Trần Lâm…

“So với người Trung Quốc, người Việt Nam thiên hẳn về lối sống dân gian, tư duy tổng hợp – trừu tượng và truyền thống văn hóa truyền miệng đã giúp gìn giữ phong tục ngày tết này mà không cần thiết gắn liền với các nhân vật lịch sử. Ngược lại, Trung Quốc lớn, dân số đông, dân tộc đa dạng, việc chính thức hóa một phong tục dân gian bằng thao tác gắn chúng với các nhân vật lịch sử có chức năng tích cực, nhất là trong chức năng đại đoàn kết dân tộc” (trích An Nam phong tục sách, Mai Viên Đoàn Triển, NXB Hà Nội, 2008).

Nhìn lại lịch sử, suốt một nghìn năm Bắc thuộc, Việt Nam đã tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là dòng “văn hóa quan phương” gắn liền với hệ tư tưởng Nho gia và hệ thống chữ Hán. Do chính quyền đô hộ thực hiện chính sách “đồng hóa”, một số phong tục, tập quán của người Việt bị bắt phải bỏ hoặc thay đổi cho phù hợp với văn hóa Hán. Điều này đã được chính sử sách Trung Hoa chép lại (xem thêm “Ngô chí”).

Sự giao thoa và du nhập tự nhiên cùng với chính sách “cưỡng bức văn hóa” của chính quyền đô hộ phương Bắc đã tạo nên một hệ quả tất yếu đó là hình thành diện mạo văn hóa có phần “mới” của Việt Nam trong nhiều thời kì lịch sử sau đó. Tết Đoan Ngọ cũng không ngoại lệ. Nó được gắn vào khung lý luận chính thống cùng các ý nghĩa, chức năng mang tính quan phương khác như “tưởng nhớ Khuất Nguyên”, “tưởng nhớ Ngũ Tử Tư”, “tưởng nhớ Trần Luận và Nguyễn Thiệu” và kéo dài trong suốt nhiều năm.

Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng như hiện nay. 


LƯỢNG THIÊN XÍCH
Sưu tầm

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

PHÒNG NGỦ CÓ SÁT KHÍ CHIẾU ĐẾN SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE VÀ CON CÁI

Việc bố trí phòng ngủ nói riêng cũng như nội thất của căn nhà nói chung khá phức tạp, nhất là những nhà có diện tích nhỏ hẹp hoặc có kiến trúc dạng ống, bởi trong lý luận phong thủy, bất kỳ căn nhà nào cũng có vượng khí, sinh khí, suy khí và sát khí chiếu đến từng vị trí cụ thể, việc bố trí nội thất cần phải dựa vào đó để giúp gia đạo an khang.

Khi xét đến nội thất của căn nhà thì phòng ngủ được coi là vị trí rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tiền đồ của người nằm ngủ trong đó, vì vậy bố trí phòng ngủ cần phải tìm nơi khí sinh vượng, tránh nơi có sát khí chiếu đến.

Trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng học thuật phong thủy vào đời sống, chúng tôi đã gặp phải không ít trường hợp bố trí phòng ngủ sai với cách cục phong thủy, dẫn đến người nhà bệnh tật triền miên, việc thai sản cũng gặp khó khăn, điển hình là một gia đình sống tại phố Liễu Giai - Hà Nội. Ngôi nhà này xây dựng trong vận 8, tọa Quý hướng Đinh, kiêm Tý - Ngọ 5 độ, diễn số phong thủy như sau:


Ngôi nhà có cách cục Hỏa khanh, vượng khí đều không chiếu đến sơn và hướng nên tài chính và nhân đinh không phát đạt. Phương tọa có Nhị hắc, là bệnh tinh chiếu đến nên dễ phát sinh bệnh tật, nhân đinh cũng không quần tụ. Hướng nhà có suy khí Thất xích, kết hợp với Nhất bạch thành cục Đào hoa, vì vậy tài chính khó tụ, ngược lại còn dễ phạm đào hoa.

Bố cục nội thất của căn nhà như sau:


Vợ chồng chủ nhà hiện tại đang nằm ngủ tại phòng 1. Vợ chồng người con trai hiện đang nằm ngủ tại phòng 2. Phòng ngủ 3 hiện đang tận dụng làm phòng đọc sách.

Nhìn vào đồ hình ta thấy rằng sát khí Ngũ hoàng hiện đang chiếu tới tây nam, nơi phòng ngủ của vợ chồng người con trai. Hiện sức khỏe của hai vợ chồng người con trai khá kém. Vợ bị phát bệnh lao phổi, hiện tại đang khó có con, mặc dù đã áp dụng các kỹ thuật tiên tiến của y học.

Đây đều là sự tác động của sát khí mà ra cả. Nhà này vốn đã chủ về bệnh tật khởi phát, vợ chồng người con trai lại nằm ngủ tại nơi sát khí chiếu đến nên càng bất lợi.

Phòng ngủ 3 là nơi có sinh khí chiếu đến, rất tốt cho sức khỏe, vì vậy nên tận dụng nơi này làm phòng ngủ, sẽ tốt cho sức khỏe và đường con cái hơn.

Hy vọng với việc chuyển phòng ngủ về vị trí sinh khí, cộng thêm việc kích hoạt những phương vị có Đinh khí chiếu đến sẽ thúc đẩy quá trình thụ thai và giúp sức khỏe tốt lên.


LƯỢNG THIÊN XÍCH