Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

TÁC DỤNG KỲ DIỆU CỦA NƯỚC DÂU TẰM ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Mùa hè, thời tiết nóng bức mà được thưởng thức một cốc nước dâu thì thật tuyệt. Nước dâu không những mang đến cảm giác mát mẻ, sảng khoái cho những ngày hè mà còn có nhiều tác dụng chữa bệnh.

Vậy, tác dụng của nước dâu như thế nào? Cách pha chế nước dâu ra sao? Bài viết này sẽ “bật mí” giúp chúng ta vấn đề này.

Tìm hiểu về quả dâu (có 2 loại: dâu tằm & dâu lưu niên)
- Dâu ta hay còn gọi là dâu tằm, nhiều lá, quả ít và nhỏ, vị chua.
- Dâu lưu niên (dâu Tầu) quả nhiều, to, đỏ, tím mọng, ngọt.

Các thành phần trong quả Dâu


Quả dâu tằm có rất nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin C (Ảnh minh họa)


Theo Viện Dược liệu Bộ Y tế, trong quả dâu có:
- Nước 84,71%;
- Đường 9,19% Z (có glucoza, fructoza)
- Axit 80% (có axit malic, axit sucinic)
- Protit 0,36%.
- Tanin, vitamin C, caroten.

Tác dụng của quả dâu

- Bổ thận, dưỡng huyết, khu phong.
- Sáng mắt, tăng lực, chữa táo bón kinh niên.
- Giải được độc của rượu, lợi cho khí và thùy trong cơ thể.
- Người hay đổ nhiều mồ hôi, trẻ con mồ hôi trộm.
- Chữa váng đầu, mất ngủ, ù tai, tiêu khát, bệnh tràng nhạc, viêm khớp dạng thấp…
- Phụ nữ bế kinh.

Cách làm nước dâu


Nguyên liệu
-  1kg dâu tằm
-  500gr đường

Cách chọn dâu

- Quả chín có màu tím sẫm.
- Quả không bị dập nát, hư hỏng.
Cách làm
- Cắt bỏ cuống trên quả dâu, rửa nhẹ tay, nước cuối cùng rửa bằng nước muối pha loãng.
- Vớt dâu ra rổ, để ráo nước.
- Nấu một nồi nước sôi, khi còn nóng khoảng 80 độ, dội qua rổ dâu (cách này giúp dâu khi ngâm lâu không bị mốc hay nổi váng)
- Rải một lớp đường vào lọ, tiếp đến một lớp dâu cho đến hết. Trên cùng rải thêm một lớp đường.
- Khi ngâm được 5-7 ngày thì mang hỗn hợp dâu ra để lọc qua rây.
- Lấy riêng nước dâu đun sôi khoảng 15 phút, để thật nguội rồi cất vào lọ (cách này giúp bảo quản siro dâu được lâu hơn)
- Riêng bã dâu, cho ít rượu vào ngâm chừng vài ngày là có ngay rượu dâu để thưởng thức.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ nước ngâm dâu

Giải khát, chữa táo bón
- Uống 2 ly nước dâu /ngày có tác dụng thanh nhiệt, giải khát.
- Với 3 ly nước dâu/ngày hàm lượng vitamin C trong nước dâu sẽ trị căn bệnh táo bón rất hiệu quả.


Nước dâu giải khát, thanh nhiệt (Ảnh minh họa)

Kích thích ăn ngon, ngủ tốt, tăng cường sức khỏe
- Uống 1-2 ly nước dâu nhỏ trước khi ăn có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp bữa ăn thêm ngon miệng, sức khỏe được cải thiện.
- Sau bữa tối, uống một ly nước dâu sẽ khiến giấc ngủ đến sớm, ngủ say và sâu giấc hơn.
Chữa chứng nhức mỏi cơ, khớp
- Uống đều đặn mỗi ngày ba ly nước dâu vào buổi sáng, trưa và tối sẽ chữa được chứng nhức mỏi cơ, khớp.

Giúp da dẻ hồng hào, máu huyết lưu thông, kinh nguyệt đều đặn
- Uống đều đặn mỗi ngày 2 ly nước dâu vào buổi sáng và trưa.
- Uống liên tục trong 3 tháng sẽ thấy da dẻ hồng hào, máu huyết lưu thông, kinh nguyệt đều đặn...

Giảm đau họng
- 500g dâu rửa sạch và ép thành nước.
- Dùng nước quả dâu để súc miệng (từ 3 đến 5 ngày) chữa các chứng đau ở miệng, họng.

Chữa bỏng
- Chọn những quả dâu chín tươi, không dập nát, rửa sạch.
- Ép dâu lấy nước sau đó bôi, rửa, đắp vào vết bỏng.

Lời kết

Dâu tằm không chỉ là một loại quả ăn ngon, có nhiều tác dụng với sức khỏe mà nước dâu ngâm cũng là một vị thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, vì dâu thuộc tính hàn nên không dùng đối với các bệnh như sôi bụng, ỉa chảy... Mặt khác, dâu kỵ với kim loại nên khi nấu nước dâu phải sử dụng nồi tráng men hoặc  nồi đất.


LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

LƯỢC SỬ ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ VÀ 48 ĐẠI NGUYỆN

Đức Phật A Di Đà, kiếp trước là con của Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai. Ngài nhờ công đức thường giảng kinh Pháp Hoa cho chúng sinh nghe, nên thành Phật hiệu là A Di Đà, ở cõi Tây phương cực lạc.


A.Mở đề:

Cây có cội, nước có nguồn. Phật tử chúng ta phần nhiều tu pháp môn niệm Phật để cầu sanh về Tịnh độ (Cực lạc ), thì phải hiểu biết lịch sử của Đức Phật A Di Ðà thế nào, và 48 lời nguyện ra sao. Ðức Phật A Di Ðà có công đức rất lớn và hạnh nguyện rất quảng đại. Ngài có nhân duyên hóa độ chúng sanh ở thế giới Ta-Bà này rất nhiều.
Muốn cho chúng sanh cõi này vượt khỏi kiếp lầm than của những cái khổ, sanh, già, bệnh, chết, nên Đức Phật Thích Ca nói rõ nhân địa hạnh nguyện của Phật A Di Ðà và khai thị pháp môn Tịnh độ tu hành rất dễ dàng. Từ thượng lưu trí thức đến hạng dân thường, nếu ai chuyên tu, cũng đều được vãng sanh cả.

B. Chánh đề:

I. Giải nghĩa danh Hiệu "A DI ÐÀ"
A Di Ðà là dịch âm chữ Amita. Hán dịch nghĩa là Vô lượng Thọ và Vô lượng Quang. Vô lượng Thọ nghĩa là tuổi sống lâu không có số lượng; Vô lượng Quang, là Ngài có hào quang sáng suốt không lường.

II.  Lược sử tu Nhân và chứng quả của Ðức Phật A Di Ðà 
Chỗ nhân địa của Đức Phật A Di Ðà ở kiếp trước rất nhiều, không thể kể xiết, nay lược nói 4 kiếp như sau:

1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở phẩm thí dụ, hóa thành có chép:
"Ðức Phật A Di Ðà, kiếp trước là con của Đức Ðại Thông Trí Thắng Như Lai. Ngài nhờ công đức thường giảng kinh Pháp Hoa cho chúng sinh nghe, nên thành Phật hiệu là A Di Ðà, ở cõi Tây phương Cực lạc".

2. Kinh Quán Phật Tam - Muội - Hải chép:
"Ðời quá khứ Ngài làm Tỳ kheo, chăm lòng kính lễ quán tưởng tướng lông mày trắng của Đức Phật Không Vương, nên được thọ ký là Phật hiệu là A Di Ðà".

3. Kinh Bi Hoa chép:
Ðời quá khứ hằng hà sa kiếp trước, Ngài là vua Chuyển Luân tên là Vô Tránh Niệm. Ngài có một quan Ðại thần tên là Bảo Hải, rất giàu lòng tín ngưỡng. Một hôm vua nghe Đức Phật Bảo Tạng đến thuyết pháp tại vườn Diêm Phù ở gần bên thành, Ngài với quan Ðại thần Bảo Hải liền đến nghe và rất hài lòng. Vua pháp tâm thỉnh Phật và đại chúng vào vương cung cúng dường trọn ba tháng để cầu phúc báu.
Ðức Phật khuyên vua nên phát Bồ đề tâm cầu đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Khi đó Đức Phật Bảo Tạng liền phóng hào quang sáng ngời, soi khắp cả thế giới của như Phật mười phương, cho chúng hội đồng thấy. Bảo Hải đại thần liền tâu với vua Vô Tránh Niêm: "Nay Bệ hạ nhờ oai thần của Phật, được thấy các thế giới, vậy Bệ hạ muốn cầu lấy thế giới nào?".
Vua đảnh lễ Phật, quỳ gối chắp tay phát lời đại nguyện, cầu xin sau khi tu hành thành Phật, quốc độ và nhân dân của Ngài, đều được trang nghiêm thanh tịnh. Do nhân duyên ấy, sau Ngài thành Phật hiệu là A Di Ðà ở cõi Tây phương Cực lạc.

4. Phật Thích Ca nói:
"Ðời quá khứ lâu xa, cách hơn 10 kiếp, có một nước tên là Diệu Hỷ, vua cha là Nguyệt Thượng Luân Vương, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan. Vương hậu sanh ra ba người con: người con trưởng là Nhật Nguyệt Minh, người con thứ hai là Kiều Thi Ca, người con thứ ba là Nhật Ðế Chúng. Khi ấy có Đức Phật ra đời hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai. Kiều Thi Ca bỏ ngôi vinh quí theo Phật Thế Tự Tại xuất gia, thọ Kỳ kheo giới, Phật cho hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo. Ngài Pháp Tạng đối trước Phật, pháp 48 lời nguyện rộng lớn, độ khắp tất cả mười phương chúng sanh; nếu có một nguyện nào chẳng viên mãn, thì Ngài thề chẳng thành Phật. Khi ấy chư thiên rải hoa, tán thán, quả đất rúng động, giữa không trung có tiếng khen rằng:
"Pháp Tạng quyết định sẽ thành Phật hiệu là A Di Ðà".
Như thế, chúng ta biết rằng, Đức Phật A Di Ðà tiền thân là Thái tử Kiều Thi Ca, bỏ ngôi sang, xuất gia tu chứng thành quả Phật là A Di Ðà.

III. 48 Ðại nguyện của Ðức Phật A Di Ðà

Nguyện thứ 1: Lúc tôi thành Phật, nếu trong cõi nước tôi, có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 2: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi, sau khi thọ chung, còn trở lại sa vào ba ác đạo, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 3: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi, thân chẳng màu vàng tất cả, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 4: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi, thân hình có kẻ tốt người xấu chẳng đồng nhau, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 5: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi chẳng có Túc mạng thông, ít nhất là biết rõ những việc trăm nghìn ức na-do-tha kiếp (vô số kiếp) thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 6: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi, chẳng đặng Thiên nhãn thông, ít nhất là thấy rõ trăm nghìn ức na-do-tha thế giới của chư Phật, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 7: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi, chẳng đặng Thiên nhĩ thông, ít nhất là nghe và thọ trì tất cả lời thuyết pháp của trăm nghìn ức na-do-tha Đức Phật, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 8: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi chẳng được Tha tâm thông, ít nhất là biết rõ những tâm niệm của tất cả chúng sanh, trong trăm nghìn ức na-do-tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 9: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi, chẳng đặng Thần túc thông, khoảng một niệm, ít nhất là đi qua khỏi trăm nghìn ức na-do-tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 10: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi, còn có quan niệm tham chấp lấy thân, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 11: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi, chẳng trụ định tu, nhẫn đến trọn diệt độ, thời tôi không ở ngôi Chính giác

Nguyện thứ 12: Lúc tôi thành Phật, nếu quang minh còn hữu hạn, ít nhất cũng chiếu thấu trăm nghìn na-do-tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 13: Lúc tôi thành Phật, nếu thọ mạng còn hữu hạn, ít nhất cũng đến trăm nghìn ức na-do-tha kiếp, thời tôi không ở ngôi Chính giác

Nguyện thứ 14: Lúc tôi thành Phật, chúng Thanh văn trong cõi nước tôi, nếu có ai tính đếm biết được số bao nhiêu, dầu đó là vô lượng Bích Chi Phật đồng tính đếm trong trăm nghìn kiếp, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 15: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, thọ mạng còn hữu hạn, trừ người có bổn nguyện riêng, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 16: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, còn có người nghe danh từ bất thiện thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 17: Lúc tôi thành Phật, nếu vô lượng chư Phật thập phương thế giới, chẳng đều ngợi khen xưng danh hiệu tôi, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 18: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ, muốn sanh về cõi nước tôi, nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sinh, thời tôi không ở ngôi Chính giác; trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, cùng hủy báng Chính pháp.

Nguyện thứ 19: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh pháp Bồ đề tâm, tu các công đức, nguyện sanh về cõi nước tôi, đến lúc lâm chung, nếu tôi chẳng cùng đại chúng hiện thân trước người đó, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 20: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi, chuyên nhớ cõi nước tôi, và tu các công đức, chí tâm hồi hướng, muốn sinh về cõi nước tôi, nếu chẳng được toại nguyện, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 21: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhân thiên trong cõi nước tôi, tất cả chẳng đủ ba mươi hai tướng đại nhân, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 22: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở cõi khác siinh về nước tôi, cứu cánh đều quyết đến bậc Nhất sinh bổ xứ, trừ người có bổn nguyện riêng, tự tại hóa hiện, vì chúng sinh mà phát hoằng thệ nguyện, tu các công đức, độ thoát mọi loài, đi khắp thế giới, tu Bồ tát hạnh, cúng dường thập phương chư Phật, khai hóa vô lượng chúng sinh, làm cho tất cả đều đứng vững nơi đạo vô thượng chánh giác, siêu xuất công hạnh của các bậc thông thường, hiện tiền tu tập Ðại nguyện của Phổ Hiền, nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 23: Lúc tôi thành Phật, các Bồ Tát trong cõi nước tôi, thừa thần lực của Phật, mà đi cúng dường thập phương chư Phật, trong khoảng thời gian một bữa ăn, nếu không đến khắp vô lượng vô số ức na-do-tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 24: Lúc tôi thành Phật, các Bồ tát trong cõi nước tôi, khi ở trước thập phương chư Phật, hiện công đức của mình, muốn có những vật cúng dường, nếu không được đúng như ý muốn, thời tôi không ở ngôi Chính giác

Nguyện thứ 25: Lúc tôi thành Phật, nếu chúng Bồ tát trong cõi nước tôi, không được Nhất thế trí, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 26: Lúc tôi thành Phật, nếu chúng Bồ tát trong cõi nước tôi, chẳng đều được thân kim cương Na-la-diên, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 27: Lúc tôi thành Phật, thì trong cõi nước tôi, tất cả đồ dùng của nhân thiên, hình sắc đều sáng đẹp sạch sẽ, rất tột vi diệu, không có thể tính biết, dầu là người được thiên nhãn. Nếu có người biết danh số các đồ vật ấy được rõ ràng, thời tôi không ở ngôi Chính giác

Nguyện thứ 28: Lúc tôi thành Phật, nếu Bồ tát trong cõi nước tôi, dầu là người ít công đức nhất, chẳng thấy biết được cội cây đạo tràng cao bốn trăm muôn do-tuần, vô lượng quang sắc, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 29: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ tát trong cõi nước tôi, nếu thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết kinh pháp mà chẳng được trí huệ biện tài, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 30: Lúc tôi thành Phật, nếu có ai hạn lượng được trí tuệ biện tài của Bồ tát trong cõi nước tôi, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 31: Lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi thanh tịnh, các nơi đều soi thấy tất cả vô lượng vô số bất tư nghị thế giới ở mười phương, như là thấy mặt mình trong gương sáng. Nếu chẳng được như thế, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 32: Lúc tôi thành Phật, trong cõi nước tôi từ mặt đất tràn lên đến hư không, lầu nhà cung điện ao nước hoa cây, tất cả vạn vật đều là vô lượng chất báu và trăm nghìn thứ hương, hiệp chung lại mà thành; vạn vật đều xinh đẹp kỳ diệu, mùi thơm xông khắp thập phương thế giới. Bồ tát các nơi ngửi đến mùi thơm ấy, thời đều tu hạnh của Phật. Nếu chẳng như thế, tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 33: Lúc tôi thành Phật, các loài chúng sanh trong vô lượng bất tư nghị thế giới ở mười phương, được quang minh của tôi chiếu đến thân tâm họ, thời thân tâm họ mềm dịu nhẹ nhàng hơn thiên nhơn, nếu chẳng như vậy, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 34: Lúc tôi thành Phật, các loài chúng sanh trong vô lượng bất tư nghị thế giới ở mười phương, nghe danh hiệu của tôi mà không được vô sanh pháp nhẫn, cùng các môn thâm-tổng-trì, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 35: Lúc tôi thành Phật, các người nữ trong vô lượng bất tư nghị thế giới ở mười phương, vui mừng tin mến phát Bồ đề tâm, nhàm ghét thân gái. Nếu sau khi mạng chung mà còn làm thân người nữ nữa, thời tôi không ở ngôi Chính giác

Nguyện thứ 36: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ tát trong vô lượng bất tư nghị thế giới ở mười phương, nghe danh hiệu tôi, vẫn thường tu phạm hạnh, mãi đến thành Phật. Nếu chẳng được như thế, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 37: Lúc tôi thành Phật, hàng nhơn thiên trong vô lượng bất tư nghị thế giới ở mười phương, nghe danh hiệu tôi, cuối đầu đảnh lễ, năm vóc gieo xuống đất, vui mừng tin mến tu Bồ Tát hạnh, thời chư Thiên và người đời đều kính trọng người đó. Nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chính giác

Nguyện thứ 38: Lúc tôi thành Phật, hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi muốn có y phục, thời y phục tốt đúng pháp liền theo tâm niệm của người đó mà đến trên thân. Nếu còn phải cắt may nhuộm giặt, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 39: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, hưởng thọ sự vui sướng không như vị Lậu tận Tỳ-kheo, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 40: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, tùy ý muốn thấy vô lượng thế giới nghiêm tịnh của chư Phật ở mười phương, thời liền được thấy rõ cả nơi trong cây báu, đúng theo ý muốn, như thấy mặt mình trong gương sáng. Nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 41: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi, từ đó nhẫn đến lúc thành Phật, mà các căn còn thiếu xấu, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 42: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ Tát, ở thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi, thảy đều được giải thoát tam muội. Trụ tam muội đó, trong khoảng thời gian một niệm, cúng dường vô lượng bất tư nghị chư Phật Thế Tôn, mà vẫn không mất chánh niệm. Nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 43: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở phương khác nghe danh hiệu tôi, sau khi mạng chung thác sanh nhà Tôn quí, nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 44: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở phương khác nghe danh hiệu tôi vui mừng hơn hở, tu Bồ Tát hạnh, trọn đủ công đức, nếu chẳng như thế, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 45: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở phương khác nghe danh hiệu tôi, đều đặng Phổ đẳng tam muội, trụ tam muội này mãi đến lúc thành Phật, thường được thấy vô lượng bất tư nghị tất cả chư Phật. Nếu chẳng như thế thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 46: Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở trong cõi nước tôi, muốn nghe pháp gì, thời liền tự nhiên đặng nghe pháp ấy. Nếu chẳng như thế thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 47: Lúc tôi thành Phật, nếu chúng Bồ tát ở thế giới phương khác, nghe danh hiệu tôi mà chẳng được đến bậc bất thối chuyển, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

Nguyện thứ 48: Lúc tôi thành Phật, nếu chúng Bồ tát ở thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi, mà chẳng liền được Ðệ nhất âm hưởng nhẫn, ở nơi Phật pháp chẳng liền được bậc bất thối chuyển, thời tôi không ở ngôi Chính giác.

C. Kết luận

Nói tóm lại, lịch sử Đức Phật A Di Ðà với 48 đại nguyện. Công đức của Phật A Di Ðà rất rộng lớn, là do lòng đại bi đại nguyện lợi tha. Ngài đành bỏ tất cả ngôi sang cao quí, nguyện tu hành khi thành Phật, ở trên một cảnh giới huy hoàng trang nghiêm, để tiếp độ chúng sinh. Trải qua một thời gian được kết quả, y báo, chánh báo xuất hiện rực rỡ như lời Ngài đã thệ nguyện.
Phật tử chúng ta, từ hồi nào đến bây giờ, biết niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, biết được pháp môn niệm Phật cầu sinh Cực lạc (Tịnh độ) là nhờ đức Phật Thích Ca ta chỉ dạy. 

Vậy xin khuyên tất cả Phật tử, noi theo gương đại nguyện của Phật A Di Ðà, nên phát tâm thệ nguyện rộng lớn, cầu khi lâm chung sinh về Cực lạc, hóa sinh từ hóa sen, tu chứng lên bậc Bất thối, rồi trở lại cõi Ta Bà hóa độ bà con quyến thuộc và tất cả chúng sinh tu hành, đồng thành Phật đạo. 
HT.Thiện Hoa


LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

MÔN LÂU NGỌC LIỄN KINH ỨNG DỤNG VÀO PHONG THỦY NHÀ Ở


Môn lâu hoặc đại môn, tổng môn chính là nơi mọi người trong nhà thường ra vào giống như miệng người dùng nói năng, hấp thu mọi thứ tốt đẹp. Ở bên ngoài, cửa bảo vệ chúng ta khỏi thị phi thưởng phạt. Cửa chính là cửa khí quan trọng nhất trong nhà. Khi đi trên mặt đất, cửa một đóng một mở khí theo đó mà đến. Cát phương, cát vị mở cửa nạp khí, tự nhiên là cát khí đi vào trong nhà từ đó mà hình thành khí trường tốt trong nhà, người trong nhà nhờ đó mà bình an khỏe mạnh. 

Nếu như phương vị sai thác, tại hung phương hung vị mở cửa, khí từ đó đến tất nhiên là ác sát ác khí, như thế người hấp thu khí xấu, hoặc tổn tài mất vật hoạc bệnh tật triền miên. Theo đó chủ nhân cùng toàn gia sẽ dần dần suy bại tuyệt tự. Cho nên xây nhà dựng cửa trước hết là lo đến đặt cửa, sau mới đặt hướng. Xưa nay Địa Sư phụ trách xây dựng tuyệt đối không dám cẩu thả với việc này.

Địa Lý Thư viết : “Ninh vi nhân gia tạo thập phần, bất vi nhân gia lập nhất môn”. Cho thấy tầm quan trọng bậc nhất của cửa nhà. Nay xin đưa “ Môn Lâu Ngọc Liễn Kinh” là một cuốn ít lưu truyền trong nhân gian, do chính các tổ sư của Phong Thủy Giang Tây Cám Nam truyền thụ, sách này sử dụng bí mật, do Tổ Quy nghiêm ngặt, nên ít người được trao truyền. Hiện tại ở các hàng sách, sách về Phong Thủy bán không ít nhưng ít khi thấy đề cập đến Môn Lâu Ngọc Liễn. Mà lại hay đề cập đến nạp quái, tức là sai lầm hại người ta chẳng ít. 



Môn Lâu Ngọc Liễn kinh, là môn khoa học chuyên luận tuyển trạch cửa lớn. 24 sơn thì là 24 đầu cửa, đều chủ tốt xấu. Hầu như những ngôi nhà phát phúc lâu dài, cơ bản đều mở cửa phù hợp với Môn Lâu Ngọc Liễn pháp độ. Phương pháp của Ngọc Liễn Kinh là lấy Tọa sơn để định cửa. Như tọa Tý hướng Ngọ, lấy Tý sơn mà lập phương vị cửa .

Môn Lâu Ngọc Liễn Kinh Viết :

Càn Hợi Tuất sơn tòng Tỵ khởi
Khảm Quý Nhâm địa hướng Thân cầu
Đoài Canh Tân vị tùy Dậu tẩu
Khôn Mùi Thân sơn Nhâm thượng lưu
Ly Bính Đinh sơn Đinh thượng khởi
Tốn Tỵ Long thân Hầu vi thủ
Sửu Cấn Dần sơn phùng Hợi vị
Giáp Mão Ất sơn Dần thượng du
Bát quái trường sinh khởi phúc đức
Vô nghĩa chi nhân bất khả cầu.

Thứ Tự 24 Môn:

1. Phúc Đức
2. Ôn Hoàng
3. Tấn Tài
4. Trường Bệnh
5. Tố Tụng
6. Quan tước
7. Quan Quý
8. Tự Điếu
9. Vượng Trang
10. Hưng Phúc
11. Pháp Trường
12. Điên Cuồng
13. Khẩu Thiệt
14. Vượng Tàm
15. Tiến Điền
16. Khốc Khấp
17. Cô Quả
18. Vinh Phúc
19. Thiếu Vong
20. Xương Dâm
21. Nhân Thân
22. Hoan Lạc
23. Bại Tuyệt
24. Vượng Tài


1. Phúc Đức: an môn đại cát xương, năm năm tiến bảo được ruộng đất, trong nhà con cháu được khoa giáp, cửa này đời sau con cháu chẳng tầm thường.

2. Ôn Dịch: nơi này chớ để cửa, ba năm năm lại nhiễm bệnh ôn, lại có phụ nữ thường treo cổ, nữ nhân sinh đẻ khó giữ mình.

3. Tiến Tài: đó là sao tiền của, tại đó đặt cửa trăm sự hưng, vật nuôi ruộng tằm nhân đinh vượng, thêm quan tiến tước nhà vang tiếng.

4. Trường Bệnh: chính là nơi nhiều bệnh tật, nơi đó đặt cửa hung ngay đến, chủ nhà, con cái bệnh ở mắt, thiếu niên bạo tử vào lao ngục.

5. Tố Tụng: là phương rất không lành, an môn mời họa phạm tai ương, ruộng vườn khẩu thiệt nữ nhân hao, thường gặp quan tụng ở chẳng yên.

6. An Môn: quan tước rất cao mạnh, đức nghiệp vinh thân ở cạnh vua, cấp dưới năm nào tài cũng vượng, nghìn điều cát khánh tự vinh xương.

7. Quan Quý: là nơi an môn tốt, định nơi quan trường tước vị cao, ruộng vườn tư tài nhân khẩu vượng, vàng ngọc tiền bạc không cần nhận.

8. Tự Điếu: nơi này chớ an môn. cửa vừa lập xong thấy tai ương, đao binh ôn hỏa gặp tai ương, xa quê tự tử nữ nhân gặp đau thương.

9. Vương Trang: an cửa chính nơi lành, tiến tài tiến bảo nhiều ruộng đất, ruộng vườn thu hoạch nhiều vui vẻ, tằm tơ thu hoạch lợi vô cùng.

10. Hưng Phúc: an cửa sống lâu dài, năm qua năm lại chẳng tai ương, tri thức tiến chức thêm quan lộc, trong nhà phát phúc phát điền trang.

11. Pháp Trường: vị trí chẳng nên kham, nếu an cửa vào tức thụ hình thương, quan tai mang đến họa gông cùm, đầy đọa nơi xa chẳng thấy quê.

12. Điên Cuồng: nơi ấy chớ có khoe, sinh ly tử biệt cùng điên tà, ruộng đất tiêu ma nhân khẩu tán, thủy hỏa ôn bệnh tuyệt diệt gia.

13. Khẩu Thiệt: an môn rất không lành, rất hay vô cớ sinh tai họa, vợ chồng có ngày đánh đuổi nhau, anh em bỗng nhiên tranh đấu thường.

14. Vượng Tàm: chỗ ấy mở cửa tốt, mở cửa nơi ấy nhà vinh xương, lục súc tàm tơ đều lợi lớn, ngồi thu thóc gạo đầy rương hòm.

15. Tiến Điền: nơi ấy phúc lâu dài, mở ra nơi ấy chiêu tài bảo, con cháu hiền ngoan một nhà vui, lại có người ngoài gửi gắm vật, bạc vàng tích tụ giàu vườn đất.

16. Khốc Khấp: cửa ấy chẳng thể mở, năm qua năm lại bại gia tài, nam nữ thiếu niên hay chết sớm, bi thương khóc lệ vơi đầy.

17. Cô Quả: là phương tai đại hung, chỉ có bà góa ngồi trong nhà, lục súc ruộng tằm đều phá tán, người trong nhà ấy phải xa nhau.

18. Vinh Phúc: nơi ấy nên mở cửa, an môn nơi đó người đông đúc, vang danh gia đình không tai họa, giàu có vinh hoa sự nghiệp hưng.

19. Thiếu Vong: nơi ấy chẳng thể bàn, chỉ một năm thôi khóc thê thảm, uống rượu mà chết người vô số, trong nhà người chết ở nơi xa.

20. Xướng Dâm: nơi ấy không kham nổi, mở ra nơi ấy tất dâm loạn, con gái chửa hoang theo trai mất, nhà ấy lớn nhỏ chẳng liêm sỉ.

21. Nhân Thân: nơi ấy mở cửa tốt, thân thích trong nhà rất hiền lương, mỗi ngày đem đén nhiều vui vẻ, kim ngân tài bảo chứa đầy hòm.

22. Hoan Lạc: mở cửa là tiến tài, thường có tiếng tốt người đưa đến, ruộng tằm lục súc đều hưng vượng, phát phúc thanh danh vang như sấm.

23. Bại Tuyệt: phương ấy chớ nên mở, mở ra thất lạc sầu không hết, nhân đinh tổn diệt không tung tích, cha con mỗi nẻo khó đoàn viên.

24. Vượng Tài: chốn ấy anh nên biết, phú quý lâu dài mãi không thôi, người người hiển đạt nhà thịnh vượng, một đời đầy đủ thọ vô cương.


Dịch theo Bát Trạch Minh Kính

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

QUẺ HỎI SẮP TỚI CÓ HẠN HAY KHÔNG

Có người lo lắng không biết sắp tới mình có hạn gì hại đến bản thân và cần lưu ý hay không, tự tay gieo được quẻ Đồng nhân biến Vô vọng.


Hào thế được nhật nguyệt tương sinh nên vượng địa, Lâm quan quỷ là tượng trong lòng có nỗi kinh sợ hoặc lo lắng. Rất may hào thế động hóa thành tử tôn. Tử tôn là thần phúc đức, khắc quan quỷ, tức là khắc đi nỗi lo lắng trong lòng nên sắp tới không có hạn nào hại đến thân cả.

Sau quả nhiên bình an vô sự!


LƯỢNG THIÊN XÍCH

QUẺ HỎI CÓ THAI HAY KHÔNG

Có người phụ nữ bị chậm kinh nguyệt 4 ngày, cảm thấy lo lắng, không biết mình đã có thai hay chưa, suy nghĩ, bồn chồn mãi, cuối cùng không chịu được, nửa đêm liền gọi cho tôi (!?). Tôi căn cứ thời gian hỏi, độn được quẻ Chấn biến Phong.


Hào tử tôn được nguyệt lệnh tương sinh nên vượng địa, tuy nhiên hiện tại lâm không vong, quẻ Chấn lại là tượng lục xung nên chắc chắn chưa có thai.

Quả nhiên 2 ngày sau người đó phản hồi lại, nói là đã thấy kinh nguyệt, vậy chắc là không có!


LƯỢNG THIÊN XÍCH

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

TÌM HIỂU CỔ DỊCH HUYỀN KHÔNG HỌC

VẬN KHÍ PHONG THỦY MỘT NGÔI NHÀ TẠI QUẬN HAI BÀ TRƯNG - HÀ NỘI

Ngôi nhà này tọa lạc tại phố Lương Yên - Hà Nội. Xây dựng năm 2002, tọa nhâm hướng bính, vận 7 diễn số như sau:


Nhà này khi mới nhập trạch thì tài lộc và nhân đinh đều tốt, bởi lẽ hướng nhà có vượng khí, phương tọa có sinh khí chiếu đến.
Tuy nhiên đến năm 2004 bước sang vận mới nên nhà này nhanh chóng thoái tài do thất xích trở thành suy khí., ngoài ra còn bị trộm cắp và họa đào hoa.

Thực tế chủ nhà cũng phản hồi lại đúng như vậy, tài chính làm được bao nhiêu hết bấy nhiêu, không tích tụ được, nhà cũng đã bị trộm viếng thăm, và người chồng có quan hệ bất chính ngoài hôn nhân nên tình cảm vợ chồng cũng sứt mẻ.

Phương tọa có vượng khí chiếu đến nên nhân đinh vẫn đản bảo cát tường, thêm nhân khẩu, các bệnh khó chữa cũng không xuất hiện trong nhà này.

Năm giáp ngọ 2014 này và năm đinh dậu 2017 có hạn, cần đề phòng và hóa giải kịp thời.

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014